Ngày
8/2, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho
biết, trong những tuần gần đây, các cơ sở y tế của Hà Nội liên tục ghi
nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tính từ 1/1 – 6/2/2014 đã
phát hiện 98 trường hợp, trong đó có 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm
dương tính với sởi.
Như vậy, sau 3 năm không có dịch, bệnh
sởi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn Hà Nội. Theo số liệu của Trung
tâm Y tế Dự phòng, số bệnh nhân sởi được phát hiện từ tháng 12/2013 đến
nay đã lên tới 40 trường hợp, bệnh nhân phân bố rải rác ở 36 phường của 9
quận nội thành, chủ yếu là lứa tuổi trẻ em dưới 5 tuổi (78%) trong đó
trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%, trường hợp nhỏ nhất là 6 tháng tuổi và
lớn nhất là 31 tuổi. Trong số bệnh nhân mắc sởi thì có đến 40% chưa được
tiêm vắc xin phòng sởi và 12,5% trước đó đã được tiêm 1 mũi vắc xin
phòng sởi trước 1 tuổi. Các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn
không rõ tiền sử tiêm chủng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi
Trung ương vào ngày 8/2 cho thấy, bệnh nhân đến điều trị khá đông. Bác
sỹ Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ tháng
1/2014 đến nay, bệnh nhân sởi đến điều trị tại khoa tăng đột biến. Khoa
đã tiếp nhận điều trị cho 67 bệnh nhân sởi có biến chứng viêm phổi, suy
hô hấp. Hiện tại khoa vẫn đang điều trị cho 43 bệnh nhân sởi biến chứng.
Đặc biệt có nhiều bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm
chủng, bị mắc sởi. Đây là điều bất thường trong diễn biến bệnh sởi năm
nay.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, hầu hết bệnh nhân sởi đều
chưa được tiêm chủng, nếu sớm tiêm chủng thì tỷ lệ phòng bệnh cũng chỉ
bao quát được 90% còn tiêm chủng nhắc lại đầy đủ theo quy định thì tỷ lệ
phòng bệnh đạt 99%. Đối với những trẻ dưới 9 tháng tuổi mà bị mắc sởi
thường ảnh hưởng từ mẹ, do người mẹ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng
chưa đầy đủ. Ngoài địa bàn Hà Nội, bệnh sởi cũng đã xuất hiện ở các địa
phương như Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Việt Trì…
Chị Trần
Thị Thu, ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, mẹ của cháu Ninh Bảo Nhung 22
tháng tuổi cho biết, trước đây do thể trạng yếu cùng với những thông tin
nhạy cảm về việc các cháu tiêm chủng hay bị biến chứng, nên chị “lừng
chừng” chưa cho cháu đi tiêm phòng sởi. Đợt này cháu bị nặng nhất, đã
điều trị 7 – 8 ngày vẫn chưa khỏi. Sau đợt này, nhất định chị sẽ đưa
cháu đi tiêm phòng các bệnh khác.
Trước tình hình bệnh nhân
sởi tăng đột biến, Trung tâmY tế Dự phòng Hà Nội đã đẩy mạnh việc giám
sát, điều tra lấy mẫu, triệt để phát hiện sớm ca bệnh để triển khai các
biện pháp phòng chống đồng thời tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng,
đảm bảo các chỉ tiêu tiêm chủng để ngăn dịch bùng phát, vận động người
dân thực hiện đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
Để
phòng tránh biến chứng của bệnh sởi, bác sỹ Lâm khuyến cáo người dân
khi thấy trẻ bị sốt, phát ban dạng sởi, kèm theo các biểu hiện suy hô
hấp, khó thở, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để theo dõi, điều trị, không
nên tự dùng kháng sinh điều trị tại nhà cho các cháu. Tuy nhiên, khi trẻ
bị sốt cũng không nhất thiết phải đưa đến bệnh viện mà cách ly ở nhà,
chăm sóc dinh dưỡng và hạ sốt cho các cháu, chỉ khi trẻ có biểu hiện sốt
cao, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, suy hô hấp thì cần phải đưa ngay đến
bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh tai biến .
TTXVN/Tin Tức
Tuyết Mai