Ăn bớt” vắcxin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, 3 trẻ tử vong sau tiêm chủng tại một bệnh viện của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là vụ nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội)… Đó là hàng loạt sự cố nghiêm trọng “rất khó xảy ra”, nhưng đã xảy ra trong vòng 4 - 5 tháng nay.
Dưới làm, trên không biết
“Giờ cháu nằm đó, phải ăn bằng ống xông, lại hay sốt, thường xuyên trong tình trạng khó thở... Vợ chồng tôi phải thay phiên nhau thức trắng đêm để trông chừng và đưa cháu đi cấp cứu”, chị P.T.T B vừa mệt mỏi chia sẻ vừa lấy khăn lau hết chỗ đờm, dãi liên tục túa ra trên miệng của bé trai đang nằm bất động trên giường.
Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm các sản phụ có trẻ sơ sinh bị tử vong điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Hồ Cầu -TTXVN |
6 tháng trước, chị P.T.T. B. đăng ký sinh con tại khoa Sản, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội. Trước khi chị B. chuyển dạ, dù không có y lệnh của bác sĩ, nhưng một nữ hộ sinh đã cho truyền thuốc oxytoxin (thuốc cho đẻ chỉ huy), tiêm bắp 2 mũi (gia đình không rõ thuốc gì). Sau khi được tiêm thuốc, chị B. có dấu hiệu suy thai, nhưng không được tiên lượng đúng, nên em bé sinh ra bị ngạt, mất não; còn bản thân chị B. bị đờ tử cung, băng huyết nên phải cắt bỏ tử cung. Vì đã để xảy ra sai sót nghiêm trọng gây tai biến cho chị B. và con trai của chị, một nhóm bác sĩ, hộ sinh của khoa Sản, BV Bạch Mai đã góp một khoản tiền lớn để bồi thường. Nhưng sự đền bù vật chất đó cũng không thể thấm vào đâu so với nỗi đau người mẹ bị vỡ tử cung, mất khả năng sinh nở; còn đứa con trai đỏ hỏn ngày ngày ốm đau, nằm đó bất động, vô hồn...
Điều đáng nói là sự việc xảy ra vào giữa tháng 4/2013, nhưng tới gần giữa tháng 5/2013, đại diện BV Bạch Mai vẫn khẳng định: “Không rõ về vụ việc này”. Qua đó cho thấy, việc giám sát chất lượng y tế tại một BV hạng đặc biệt như BV Bạch Mai vẫn còn lỗ hổng, một vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đến như vậy mà Ban giám đốc BV chỉ biết rõ sự tình sau khi có sự vào cuộc của cơ quan báo chí.
Còn về vụ việc xảy ra ngày 20/7 làm 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị, quá trình điều tra đã phát hiện, BV Đa khoa huyện Hướng Hóa bảo quản, quản lý vắcxin chưa đúng quy định, để vắcxin cùng sinh phẩm khác; không ghi chép quản lý vắcxin hàng ngày, không lưu vỏ, lọ theo quy định… Chính vì sai sót nghiêm trọng này, mà một số chuyên gia y tế đầu ngành nghi ngờ trong mũi thuốc tiêm cho 3 trẻ có “chất lạ” (có thể trẻ bị tiêm nhầm thuốc - PV), vì vậy, dẫn đến tình trạng cả 3 trẻ bị sốc phản vệ với những triệu chứng rất giống nhau. Đến nay, kết luận cuối cùng về vụ việc vẫn đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngành y luôn chú trọng việc giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa sai sót trong quá trình bảo quản vắcxin thì, có thể đã không xảy ra sự cố nghiêm trọng đến vậy.
Hiện nay, Luật Khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ 1/1/2011, đã cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức chứng nhận chất lượng y tế độc lập. TS Trần Tuấn |
Chưa hết, gần đây nhất là vụ việc nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Theo điều tra ban đầu, việc cố tình nhân bản xét nghiệm để rút quỹ bảo hiểm y tế tại BV Hoài Đức đã diễn ra từ giữa năm 2012, thế nhưng việc kiểm tra BV cuối năm 2012 của ngành y vẫn không hề phát hiện ra sai sót nào. Vụ việc nghiêm trọng này chỉ được biết đến vào tháng 7/2013, khi 3 cán bộ của BV đứng ra tố cáo với cơ quan chức năng. Kết luận cuối cùng về sự cố nghiêm trọng này đến nay vẫn chưa có; song qua đây, “lỗ hổng” trong việc tổ chức giám sát chất lượng y tế của ngành y càng bộc lộ rõ rệt.
Thiếu cơ chế giám sát
Trả lời về trách nhiệm của Bộ Y tế trước những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây, một đại diện của ngành cho hay: Theo phân cấp quản lý, các Sở Y tế quản lý trực tiếp các bệnh viện trực thuộc; Bộ Y tế chỉ quản lý trực tiếp 38 bệnh viện, viện. Ngoài ra, Bộ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Sau khi xảy ra các sự cố, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản, gửi UBND các địa phương và các bộ ngành liên quan, yêu cầu sớm làm rõ sự việc và có biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đầu ngành cho cho rằng: Công tác quản lý chuyên môn của ngành y hiện chưa hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát chất lượng y tế đủ mạnh để phát hiện, ngăn ngừa sai sót có thể xảy ra.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận xét: “Chừng nào quy trình chuyên môn và công tác giám sát, đánh giá chưa được coi là vấn đề sống còn của mỗi cơ sở y tế, thì chừng đó, xã hội còn phải chứng kiến những vụ việc lùm xùm như thời gian qua”.
Thực tế, những vụ sai sót nghiêm trọng trong y tế thường chỉ được biết đến khi người dân phát hiện, báo chí lên tiếng. Và sau khi các vụ việc vỡ lở thì “giải pháp” thường thấy của ngành y là kỷ luật ngay người phạm sai sót, mà ít đầu tư tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Vậy nên, sai sót nghiêm trọng trong y tế vẫn liên tục xảy ra.
“Hiện nay, Bộ Y tế và các cơ sở y tế vừa là nơi cung cấp dịch vụ y tế, vừa là nơi đưa ra các quy định thực thi, vừa thực hiện đánh giá, giám sát chất lượng những dịch vụ đó. Với cách quản lý kiểu “một mình một chợ” như vậy thì cũng rất khó hy vọng sẽ đảm bảo minh bạch trong thông tin và xử lý triệt để các sai sót”, TS Trần Tuấn, nhấn mạnh.
Phương Liên