Những người trẻ của thành phố mang tên Bác vốn rất năng động, thường xuyên di chuyển, khám phá thì nay đã phải tạm hoãn các dự định, kế hoạch của mình. Thay vào đó, họ đã và đang thay đổi để sống chậm hơn, tìm cách thích nghi với cuộc sống ở nhà tránh dịch lâu dài.
Cuộc sống chậm lại
Hơn một tháng qua, cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của Huỳnh Thị Ngọc Vy (trú tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12), sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, hầu như đều diễn ra trong nhà.
Là một sinh viên năng nổ và yêu thích tham gia các hoạt động hội, nhóm ngoài trời, cứ mỗi dịp hè là Vy lại đăng ký tham gia những chương trình tình nguyện của đoàn viên thanh niên như Kỳ nghỉ hồng, Mùa hè xanh… hoặc cùng bạn bè lên kế hoạch cho những chuyến du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, từ khi dịch bệnh bùng phát, Vy và gia đình đã hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết. Giờ đây, một ngày của Vy chỉ xoay quanh việc phụ giúp bố mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh hoặc lên mạng đọc tin tức, xem tivi. Với một bạn trẻ còn ở độ tuổi năng động, theo "chủ nghĩa xê dịch" như Ngọc Vy thì cuộc sống giãn cách ở nhà thật sự không dễ dàng để thích ứng.
“Lúc trước mình rất ít khi ở nhà, nếu không phải lên lớp học thì cũng sẽ dành thời gian tham gia các hoạt động tập thể hoặc cùng bạn bè dạo chơi quanh thành phố. Nhưng nay, mọi kế hoạch, dự định đều không thể thực hiện được. Mình đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện hè hỗ trợ người dân chống dịch do Đoàn thanh niên Thành phố tổ chức, nhưng khu phố mình lại bị phong tỏa nhiều tuần qua vì liên quan đến F0, nên giờ chỉ có thể ủng hộ các bạn chủ yếu về mặt tinh thần.
“Tuy biết trong tình hình hiện nay chỉ cần ở nhà, không ra đường là đã góp phần phòng, chống dịch, nhưng mình vẫn mong muốn có thể ra ngoài cống hiến sức trẻ cho cuộc chiến với đại dịch của thành phố, bởi đây chính là lúc đất nước, xã hội cần nhất sự tham gia của thế hệ trẻ”, Ngọc Vy chia sẻ.
Để tập thích nghi với tình hình mới, Ngọc Vy hướng sự tập trung của mình vào gia đình, phụ giúp, tâm sự và quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn; liên lạc với họ hàng, bạn bè thông qua các ứng dụng gọi video để cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống khi giãn cách. Vy cũng thường xuyên kết nối với Phường Đoàn, Quận Đoàn tại nơi mình sinh sống để tham gia hỗ trợ những công việc có thể thực hiện qua mạng như nhập liệu, xử lý đơn hàng cho chương trình “Đi chợ giúp người dân” do Quận đoàn 12 thực hiện hoặc đăng bài tuyên truyền phòng, chống dịch trên trang Facebook cá nhân để lan tỏa thông tin, nâng cao ý thức của người dân. Ngọc Vy mong muốn khu phố sẽ được gỡ phong tỏa sớm để mình có thể trực tiếp tham gia góp sức cùng tuyến đầu chống dịch, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại nhịp sống bình thường.
Với những người làm trong ngành du lịch, việc giãn cách xã hội không chỉ làm đảo lộn cuộc sống đã quen với việc thường xuyên di chuyển, mà còn ảnh hưởng lên cả thu nhập và chi tiêu hằng ngày. Anh Nguyễn Đình Trúc, 27 tuổi, hướng dẫn viên du lịch cho một công ty dịch vụ lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, những năm chưa có dịch COVID-19, thu nhập của anh trung bình khoảng 20 triệu – 30 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm nhận nhiều tour có thể lên tới 60 triệu đồng, công việc hầu như không có ngày nghỉ. Thế nhưng, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, khách hàng bắt đầu hủy tour, hàng không ngưng dịch vụ, mọi hoạt động của công ty gần như tê liệt. Trong lúc tạm nghỉ công việc hướng dẫn viên du lịch, anh Trúc phải tìm việc làm thêm về tư vấn bảo hiểm và bất động sản để có thu nhập, vượt qua được những ngày giãn cách xã hội.
“Giờ đây tôi tập sống chậm để cân bằng tâm trạng giữa lúc tình hình dịch đang rất phức tạp. Công việc của tôi chủ yếu đều làm tại nhà, tư vấn cho khách hàng cũng thực hiện qua điện thoại, chỉ ra ngoài khi cần mua thực phẩm. Thời gian rảnh thì tôi tập thể dục, chăm sóc hoa cảnh, gọi điện cho người thân hoặc đọc thêm sách nâng cao kiến thức”, anh Đình Trúc chia sẻ.
Theo anh Đình Trúc, với một người đã quen với việc di chuyển liên tục, việc ở nhà cả ngày ban đầu rất khó thích nghi, nhưng theo thời gian anh cũng đã học được cách để tinh thần được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. “Dù vậy, tôi vẫn rất nhớ cảm giác được xách va ly ra sân bay để đặt chân đến những vùng đất mới, nhớ những hành khách cùng tôi trải nghiệm điều mới mẻ. Tôi vẫn chờ đợi và tin tưởng vào một ngày không xa, du lịch mở cửa trở lại để tiếp tục với công việc làm hướng dẫn viên yêu thích”, anh Đình Trúc bộc bạch.
Không nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch, nhiều hội, nhóm thanh niên, học sinh – sinh viên đã tìm cách chuyển đổi hình thức hoạt động từ sinh hoạt tập trung sang trực tuyến để phù hợp với tình hình hiện nay. Bạn Đặng Thị Thơm (trú tại phường Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi), trưởng nhóm thanh niên tình nguyện vì môi trường “Gen Xanh” cho biết: Trước đây hoạt động chính của nhóm là hằng tuần tổ chức đổi quà lấy các loại rác thải nhựa, rác thải điện tử… từ các hộ dân trên địa bàn để đem đi xử lý, tái chế và tổ chức những buổi ngoại khóa tuyên truyền các kiến thức về môi trường cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát dẫn đến giãn cách toàn xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên nhóm đã tạm dừng hoạt động đổi rác lấy quà, chuyển sang đẩy mạnh xây dựng các nội dung phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường thông qua mạng xã hội.
Bạn Đặng Thị Thơm chia sẻ: Tất cả các thành viên nhóm đều đang thực hiện giãn cách tại nhà nên mọi công việc bọn em đều giao tiếp qua các ứng dụng họp trực tuyến. Làm việc kiểu này có nhiều bất tiện, dễ bị phân tâm nên bọn em thống nhất nhóm vẫn sẽ làm việc theo giờ giấc bình thường như khi chưa có dịch. Đúng theo giờ quy định mỗi sáng, các thành viên sẽ lên mạng điểm danh và phân công công việc trong ngày để thực hiện. Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên nhóm đều hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, nhóm của Thơm chủ yếu tập trung biên soạn và đăng trên trang Facebook của nhóm các chuyên đề về tác động của rác thải với môi trường; tìm hiểu về công nghệ và quy trình xử lý chất thải tại Việt Nam cũng như các chủ đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch như “an toàn thực phẩm mùa dịch”, “giữ gìn vệ sinh phòng dịch”…
Theo Thơm, tuy tuyên truyền theo hình thức này khá bị động so với việc tương tác trực tiếp nhưng nếu làm đúng cách, độ lan tỏa sẽ rất cao. “Tất cả các thành viên trong nhóm hy vọng kiến thức được chia sẻ sẽ giúp ích cho người dân trong cuộc chiến với dịch. Cả nhóm đều mong dịch sẽ sớm được khống chế để cuộc sống tại thành phố mang tên Bác sớm quay lại bình thường”, Thơm bày tỏ.
Tranh thủ hoàn thiện bản thân
Không phải người trẻ nào cũng cảm thấy khó thích ứng với cuộc sống giãn cách ở nhà. Anh Đặng Nguyên Đức (25 tuổi, trú tại phường Phú Thuận, Quận 7) cho biết, khi biết tin Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, vượt qua cảm giác lo lắng ban đầu, tôi lại cảm nhận được niềm vui khi “bị bắt ở nhà”, để có thời gian thực hiện nhiều dự định, kế hoạch của mình như thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt một cách điều độ hơn so với lúc đi làm.
Là một nhân viên tổ chức sự kiện, trước đây anh đã quen với nhịp sống đi sớm, về khuya, thời gian làm việc không cố định, có lúc vì bận việc mà bỏ bữa ăn khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Khi đại dịch bùng phát, tất cả các sự kiện phải ngừng tổ chức, anh Đức tận dụng khoảng thời gian được nghỉ tại nhà lập lại thời gian biểu hằng ngày theo hướng lành mạnh, kỷ luật.
Anh Đức kể: “Tôi tập cho mình thói quen ngủ sớm, dậy sớm tập thể dục, vận động trong nhà. Bình thường làm việc về trễ nên ăn uống, dọn dẹp nhà cửa cũng chỉ qua loa cho xong, nay tôi quyết tâm tổng vệ sinh, dọn đồ đạc, sách vở gọn gàng; ngày ngày tự nấu những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Thậm chí, rau củ nào có thể trồng được, tôi tìm hiểu rồi tự trồng; hiện nhà tôi đã có một vườn rau nhỏ với mấy loại rau thơm, hành, ngò, ớt… Tiếp đó, những quyển sách chưa kịp đọc, tôi đem ra nghiền ngẫm. Thời gian còn lại, tôi tự học thêm ngoại ngữ và gọi điện thăm hỏi người thân. Thì ra, những lúc bất tiện, khó khăn cũng là lúc để ta tự rèn bản lĩnh. Ở nhà và làm cho bản thân tốt lên là lựa chọn khiến tôi thật sự hạnh phúc”, anh Nguyên Đức chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Lý Kim Ngân (trú tại phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) cho rằng: Trong cuộc sống nhiều áp lực hiện nay, giới trẻ không dễ dàng tìm cho mình thời gian rảnh để bồi dưỡng chuyên môn hoặc học thêm kiến thức mới. Do đó, đừng lãng phí thời gian giãn cách quý báu vào những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, mà hãy tạo cho mình sự bận rộn hợp lý để hoàn thiện bản thân.
“Mỗi ngày, tôi luôn phân bổ thời gian sinh hoạt hợp lý, nếu không làm việc online thì tham gia những khóa học online để trau dồi chuyên môn hoặc tìm hiểu những sáng kiến mới trong lĩnh vực của mình. Tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc học ngoại ngữ và luyện khả năng giao tiếp. Cuối ngày, tôi sẽ xem xét lại những gì mà mình đã làm được, chưa làm được hoặc có thể làm tốt hơn và đề ra một mục tiêu trong thời gian tới. Thời gian rảnh, tôi sắp xếp, trang trí lại nhà cửa, làm không gian sống gọn gàng, sạch sẽ, xanh hơn. Đây là cách tôi tự hoàn thiện bản thân mình”, chị Ngân chia sẻ.
Còn với blogger du lịch Lý Thành Cơ, 29 tuổi, thời gian giãn cách tại nhà là dịp tốt để nghỉ ngơi và làm mới bản thân sau những ngày di chuyển liên tục theo yêu cầu của công việc. Theo Thành Cơ, những điều đơn giản như đọc sách, tập thể dục, xem phim giúp thư giãn tinh thần nhưng anh lại không có nhiều thời gian để làm trong những ngày bình thường vì bận “tối mặt” với những chuyến đi rong ruổi hàng tháng trời, thì nay đã có thời gian để thực hiện. Bên cạnh đó, Thành Cơ cũng lấy cảm hứng từ cuộc sống giãn cách hằng ngày để sáng tạo thêm những nội dung, ý tưởng mới cho các kênh blog của mình thay cho chủ đề du lịch đang bị “đóng băng” như: Bí quyết tập thể dục ở nhà; cách chụp ảnh và sử dụng ứng dụng chỉnh ảnh; kinh nghiệm làm việc tại nhà hiệu quả… được nhiều bạn đọc quan tâm, ủng hộ.
“Đại dịch xảy ra khiến thu nhập từ việc viết blog về du lịch của tôi gần như bằng 0, phải dựa vào những nội dung khác để duy trì tương tác với độc giả, nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều người đang phải vất vả chống chọi với dịch bệnh. Giờ đây, việc mà những người trẻ có lượng người theo dõi cao như tôi cần làm là sử dụng các kênh tương tác của mình lan tỏa thật nhiều những thông tin tích cực, những thông điệp động viên tinh thần đến người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay, góp sức cùng lực lượng tuyến đầu đẩy lùi đại dịch”, Thành Cơ bày tỏ.
Mỗi người có một cách nhìn nhận, một phương pháp thích nghi khác nhau, nhưng tựu chung, thế hệ trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh đang thể hiện rất rõ bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, trách nhiệm và tinh thần xung kích của người thanh niên thành phố mang tên Bác. Không chỉ tìm cách thích nghi với tình hình mới, họ còn có những đóng góp rất thiết thực theo khả năng của mình cho cộng đồng, xã hội và cuộc chiến với đại dịch COVDI-19.
Bài cuối: Lan tỏa thông điệp tích cực