Thông tin trên được ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 8/4, tại Hà Nội.
Thứ trưởng kiêm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thông tin tới báo chí sáng 8/4. |
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, khi áp dụng mô hình liên thông này sẽ tiết kiệm được chi phí và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý. Cụ thể, đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, số lần đi lại làm thủ tục hành chính (TTHC) là tối giản, chỉ phải đến duy nhất một đầu mối là phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng để nộp hồ sơ, ký hợp đồng và nhận kết quả thay vì phải đi lại 3 – 4 lần đến 3 cơ quan, tổ chức (gồm văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, kho bạc) như hiện nay.
Bên cạnh đó, hồ sơ thực hiện sẽ giảm bớt được các thành phần trùng lặp, không cần thiết. Cụ thể, với thủ tục công chứng, trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì cho phép lựa chọn nộp bản sao giấy tờ tùy thân hoặc xuất trình bản chính để đối chiếu. Với thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, sẽ không yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký.
Với thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế, sẽ không yêu cầu nộp quyết định giao đất, mua bán, tặng cho, thừa kế, giấy phép xây dựng…, không yêu cầu nộp giấy tờ, hóa đơn chứng minh đã nộp tiền thuê đất, sử dụng đất,… Đặc biệt, chi phí thực hiện một quy trình thủ tục liên quan tới đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giảm đáng kể.
“Theo đánh giá sơ bộ, chi phí làm TTHC theo quy trình hiện tại là khoảng 355.000 đồng/trường hợp (tính thời gian thực hiện ngắn nhất, không phải chờ đợi và thời gian đi lại tối thiểu). Trong khi đó, nếu áp dụng liên thông chỉ còn khoảng 145.000 đồng/trường hợp, giảm bớt được các hồ sơ trùng lặp, không cần thiết. Việc làm này cũng sẽ hạn chế thất thoát thuế cho Nhà nước và tăng cường theo dõi, quản lý biến động đất đai đồng thời giúp văn phòng đăng ký đất đai giảm tải công việc”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.