Lao động nữ vật lộn với cuộc sống

Cường độ lao động cao, môi trường làm việc không bảo đảm, thu nhập bấp bênh..., là những nguyên nhân khiến sức khỏe của nhiều lao động nữ bị suy giảm, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao, thậm chí không có thời gian và cơ hội xây dựng gia đình...

Doanh nghiệp lách luật

Mặc dù chiếm đa số trong lực lượng lao động tại TP Hồ Chí Minh nhưng trong công tác tuyển dụng, đào tạo, ký hợp đồng... những lao động nữ lại phải chịu nhiều thiệt thòi chủ yếu do doanh nghiệp (DN) tìm cách lách luật. Đơn cử như khi treo bảng tuyển dụng, DN thường viết: “Ưu tiên tuyển lao động nam”. Thậm chí, có DN dù cần tuyển nhiều lao động nữ nhưng khi tuyển dụng vẫn thông báo: Chỉ tuyển lao động nữ lớn tuổi, đã có con hay nữ công nhân phải cam kết sau 3 năm làm việc mới được sinh con...

Nhiều DN khi ký hợp đồng với lao động nữ thường ký các hợp đồng ngắn hạn thay vì chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của Bộ luật Lao động, chủ yếu để hạn chế những quyền lợi mà lao động nữ làm việc lâu năm đáng được hưởng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn thuê lại lao động từ các công ty cung ứng lao động, để hạn chế chi trả các khoản như: Tiền công, tiền lương, các chế độ phúc lợi cho công nhân nữ.

Việc DN cố tình lách luật đang khiến nhiều công nhân nữ nếu muốn có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, phải vất vả tăng ca, khiến thời gian làm việc kéo dài tới 12 giờ/ngày. Hệ lụy là nhiều chị em sau giờ làm việc, về đến phòng trọ chỉ kịp ăn cơm là lăn ra ngủ mà không có điều kiện, thời gian tiếp cận các hoạt động văn hóa - thể thao, thậm chí không có thời gian nghĩ tới hôn nhân (tại nhiều KCN - KCX, hơn 80% lao động nữ chưa có cơ hội xây dựng gia đình).

Nhiều lao động nữ làm việc tại các KCN - KCX do trình độ học vấn thấp nên chưa biết đòi quyền lợi cho mình (Ảnh chụp tại KCX Linh Trung - Thủ Đức).


Theo kết quả khảo sát mới đây của Ban Bảo hộ lao động và Ban Nữ công Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Phần lớn các DN vi phạm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi đối với lao động nữ. Có đến 76% lao động nữ phải làm thêm giờ, trong đó mức làm thêm 300 - 400 giờ/năm trong các doanh nghiệp ngành dệt, may, thủy sản là khá phổ biến. Có không ít doanh nghiệp, lao động nữ phải làm thêm từ 500 - 600 giờ/năm. Do thu nhập thấp, lao động nữ phải làm thêm giờ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, chủ sử dụng lao động đặt ra định mức lao động quá cao, nên lao động nữ phải làm cật lực, đủ giờ mới được hưởng lương tối thiểu. Cụ thể để có thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, nhiều lao động nữ bắt buộc phải làm thêm 25 giờ/tuần. Dựa vào điều này, nhiều DN lách luật bằng cách yêu cầu lao động nữ (chiếm 78,4%) phải ký thỏa thuận làm thêm giờ với chủ sử dụng lao động.

Nguy cơ cao

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 13 KCN- KCX đi vào hoạt động với tổng số lao động là 252.068 người, trong đó lao động nữ là 163.844 người, chiếm tỉ lệ 65%, lao động nhập cư chiếm 60%. Lao động nữ tập trung trong các ngành như may, dệt, da giày, thực phẩm...

Khi quyền lợi trong đào tạo, tuyển dụng, ký hợp đồng... bị xâm phạm, lao động nữ sẽ bị suy giảm về sức khỏe và có nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hơn nam giới.

Kết quả khảo sát của Ban Nữ công Tổng LĐLĐ VN mới đây cho thấy có 56,2% lao động nữ phải tiếp xúc với tiếng ồn, rung; 55,8% tiếp xúc với nóng và 47,1% hít khói, bụi và 60,6% DN không chi trả phụ cấp độc hại cho lao động nữ. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động nữ mắc bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn, trong ngành chế biến thủy sản, có không ít lao động nữ, sau một ca làm việc đã không thể rút chân ra khỏi ủng do phải đứng quá lâu. Trong các ngành may mặc, da giày, lao động nữ làm việc trong điều kiện ngồi nhiều thì bị hội chứng đau lưng, hông, bả vai, khung xương chậu. Do ngồi nhiều, ít vận động nên khi sinh con thường phải mổ. Vì vậy, nếu DN không cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho lao động nữ thì tỉ lệ mắc bệnh nghề nghiệp sẽ còn gia tăng.

Đối với lao động nữ có con nhỏ, đang làm việc tại các KCN - KCX, khi được hỏi đều cho rằng quyền được chăm sóc con của họ bị hạn chế rất nhiều vì phải tăng ca. Nguyên nhân là các KCN- KCX không có nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Trong khi đó, chi phí cho việc gửi con ở các nhà trẻ tư nhân vượt quá khả năng chi trả của người lao động; nhà trẻ, lớp mẫu giáo công lập - nơi ở gần KCN - KCX hoặc nơi người lao động thuê trọ, tạm trú lại không thể đón nhận con của họ do nhiều quy định của địa phương… Vì vậy, để có việc làm và tăng thu nhập nuôi con, nhiều lao động nữ phải gửi con về quê nhờ bố mẹ trông giúp. Khi đó quyền của người mẹ được sống với con, chăm sóc con nhất là ở tuổi ấu thơ không được bảo đảm, còn con của họ thì quyền được sống với mẹ, được mẹ chở che, yêu thương, chăm bẵm cũng khó được thực hiện.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý KCN - KCX TP Hồ Chí Minh cho biết: Lao động từ các vùng quê tìm về các KCN - KCX ở các thành phố lớn để sinh sống và làm việc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết do đa số lao động nữ đều có trình độ học vấn thấp nên khi biết mình bị xâm phạm quyền lợi họ cũng không biết tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, phía DN lại cố tình lảng tránh, lách luật để không phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với lao động nữ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho lao động nữ tại các DN, các KCN - KCX để họ biết quyền lợi của mình. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động trong KCN - KCX nói chung và đối với lao động nữ nói riêng, từ đó thực hiện trách nhiệm về con người, quyền của lao động nữ trong DN.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN