Không quân Hải quân rút ngắn khoảng cách với Trường Sa

Được thành lập và đưa vào khai thác sử dụng từ quí III năm 2013, mặc dù trong điều kiện công tác đảm bảo còn nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ Phi đội DHC-6 Không quân Hải quân nhân dân Việt Nam đã đoàn kết và quyết tâm cao, làm chủ, khai thác tốt thủy phi cơ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.


Miệt mài huấn luyện làm chủ


Đang là giữa mùa xuân nhưng khi chúng tôi đến thăm Phi đội DHC-6 ở bán đảo Cam Ranh không khí nơi đây tựa như những ngày hè nóng nực nhất. Sức nóng có sức “tỏa nhiệt” lớn nhất chính là khí thế của ngày ra quân huấn luyện đầu năm và sự miệt mài, quyết tâm cao của toàn Phi đội để sớm làm chủ máy bay mới phục vụ nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ.

 

Huấn luyện kỹ thuật Thủy phi cơ DHC-6.


Tại sân đỗ máy bay, đúng 7 giờ sáng, tất cả các lực lượng từ các xe tiếp dầu, phòng hỏa đến bộ phận kỹ thuật mặt đất đã có mặt để chuẩn bị cho chuyến bay biển tới đây. Tại buồng lái, đại úy Trần Hữu Phương, Phi đội phó đôn đốc công tác huấn luyện vừa trực tiếp làm giáo viên hướng dẫn bay cho phi công mới và cán bộ kỹ thuật hàng không cho biết: Là thế hệ máy bay mới, rất hiện đại, qui trình khai thác làm chủ nghiêm nhặt trong khi hầu hết cán bộ, chiến sĩ ở Phi đội lần đầu làm chủ, khai thác máy bay nên công tác đảm bảo kỹ thuật, huấn luyện gặp không ít khó khăn.

Các sĩ quan chuyên môn ở Phi đội hầu hết tuổi đời rất trẻ, nhiệt tình, hăng say, chịu khó học hỏi, tuy nhiên vì chưa có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật hàng không, một số chưa qua đào tạo cơ bản về chuyên ngành, do đó để tạo sự đều tay ở Phi đội là một bài toán khó. Do đó, việc học tập, huấn luyện là ưu tiên hàng đầu ở Phi. Bên cạnh chương trình huấn luyện theo giáo trình dưới sự giám sát của 2 chuyên gia nước ngoài, việc tranh thủ mọi thời gian để tự học tập ôn luyện được đơn vị khuyến khích. Tất cả mọi người đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm với nhau, không giấu dốt. Nhiều cán bộ, nhân viên buổi tối nào cũng tranh thủ học thêm.


Trước yêu cầu nhanh chóng phải làm chủ, khai thác máy bay phục vụ bay biển, bay đường dài, trong khi đội ngũ phi công còn mỏng, Phi đội DHC-6 có sáng tạo là tập trung đào tạo phi công mũi nhọn, tức là nhờ chuyên gia và những giáo viên có kinh nghiệm tập trung đào tạo 1 số phi công chủ lực, sau đó số phi công này đào tạo lại cho Phi đội. Cách làm này vừa giải quyết được yêu cầu có phi công giỏi bay trước mắt, vừa có thêm nguồn bổ sung sau này.


Thượng úy Trần Hữu Long, Phi đội phó cho biết: Bên cạnh việc tích cực tham gia biên dịch tài liệu, biên soạn kỹ thuật hàng không, nghiên cứu, sử dụng tốt các phần mềm, tăng thời gian tự nghiên cứu các hệ thống trên máy bay, cán bộ chỉ huy kỹ thuật Phi đội thường xuyên cùng chuyên gia tiến hành lên lớp lý thuyết kết hợp với thực hành trên máy bay cho nhân viên kỹ thuật toàn Phi đội. Sau các buổi lên lớp đều có chế độ kiểm tra từng người, từng vị trí, ai còn yếu đều được huấn luyện bổ sung.


Kéo gần khoảng cách Trường Sa-đất liền


Trung tá Đoàn Minh Hùng, Chính trị viên Phi đội không giấu được niềm vui: Mặc dù mới tiếp nhận, khai thác, nhưng đến nay Phi đội đã tổ chức 16 ban bay ngày, giờ bay huấn luyện đạt 236 lượt/chiếc với hơn 58 giờ bay an toàn. Phi đội tổ chức bay thả đơn cho 3 phi công các khoa mục vòng kín, không vực, đường dài và bay chuyển sân. 2 đồng chí được phê chuẩn chỉ huy bay cấp phi đội điều kiện khí tượng giản đơn.

Đặc biệt, “chiến công đầu” mà Phi đội đã lập nên mới đây, được Bộ Tư lệnh Bộ Tham mưu và Quân chủng đánh giá cao đó là Phi đội đã chủ động lập kế hoạch, phối hợp với Trung tâm quản lý bay miền Nam và Quân chủng PKKQ bay chuyển sân Cam Ranh- Tân Sơn Nhất, tuyến bay đường dài đầu tiên thành công của lực lượng Thủy phi cơ Hải quân. Từ thành quả này, thủ trưởng các cấp đã tin tưởng để đầu tháng 3 Phi đội lập kế hoạch mở tuyến bay đầu tiên ra Trường Sa, mở đầu thời kỳ Không quân Hải quân sẽ thường xuyên có mặt trên các vùng biển, đảo, kéo gần khoảng cách Trường Sa với đất liền.


Đại úy Vương Đăng Nam, Phi đội trưởng cho biết: Thời gian tới nhiệm vụ tiếp nhận các máy bay còn lại và đưa vào khai thác, sử dụng sẽ rất khẩn trương nặng nề, riêng giờ bay dự kiến lên đến 1.000 giờ, trong đó sẽ tăng cường bay trong điều kiện khí tượng phức tạp, bay đêm, bay trinh sát, bay biển có cất hạ cánh trên nước.


Bài và ảnh:Trọng Thiết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN