Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần 4 - năm 2023 là sự xét chọn, trao tặng cho các tập thể, cá nhân là tác giả của: các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các giống cây trồng, vật nuôi, vật tư kỹ thuật nông nghiệp, máy móc thiết bị, hàng hoá thủ công mỹ nghệ; các thương hiệu hàng hoá nông nghiệp có uy tín.
Các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ, nhóm nông dân sản xuất theo mô hình mới, hiệu quả, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP quốc gia…để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa và có đóng góp quan trọng trong việc góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Thông qua hoạt động tôn vinh góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn vai trò của nông nghiệp - nông dân - nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn.
Tôn vinh những sản phẩm đạt Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” là cách thức thể hiện sự đánh giá, ghi công, tri ân của Đảng, Nhà nước, của xã hội đối với những tập thể, cá nhân, tác giả, nhóm tác giả hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang đồng hành, sát cánh và có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
Việc xét tặng giải thưởng phải được thực hiện đúng đối tượng, điều kiện, quy trình xét tặng được quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-BNNPTNT ngày 10/2/2014 Quy định về xét tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, đảm bảo chính xác, công khai, dân chủ, khách quan. Đồng thời có mở rộng quy mô, bổ sung thêm nhóm sản phẩm về nông nghiệp trong tình hình mới.
Sản phẩm tham gia xét tặng bao gồm 3 nhóm. Nhóm sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học: giống cây trồng, vật nuôi; các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: tối đa 35 giải thưởng.
Nhóm sản phẩm là hàng hóa tiêu dùng: vật tư kỹ thuật nông nghiệp, máy móc thiết bị, hàng hoá thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm nông, lâm thủy sản, thương hiệu hàng hóa có uy tín; các sản phẩm OCOP quốc gia: tối đa 35 giải thưởng.
Nhóm sản phẩm là những mô hình về tổ chức sản xuất, phát triển nông thôn: các mô hình nông nghiệp tiêu biểu, công trình xây dựng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn: tối đa 30 giải thưởng.
Quy trình xét tặng giải thưởng được tổ chức qua hai cấp là cấp cơ sở và cấp Bộ. Cấp cơ sở: Bộ gửi văn bản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ (Hội đồng xét tặng cấp cơ sở) tổ chức họp xét, lập hồ sơ trình Bộ.
Cấp Bộ thực hiện theo 3 bước. Bước 1: Lấy ý kiến bình xét của nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Báo Nông nghiệp Việt Nam đối với các sản phẩm được Hội đồng xét tặng cấp cơ sở trình Bộ.
Bước 2: Hội đồng xét tặng chuyên ngành do Bộ trưởng quyết định thành lập, có nhiệm vụ xét, chấm điểm các sản phẩm sau khi đã lấy ý kiến của nhân dân.
Bước 3: Hội đồng xét tặng cấp Bộ do Bộ trưởng quyết định thành lập, có nhiệm vụ xét chọn các sản phẩm do Hội đồng xét tặng chuyên ngành chấm điểm đạt từ 85 điểm trở lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xét chọn, tôn vinh và công nhận giải thưởng.