Tuổi thọ trung bình của các bé dự kiến là 88,6 năm.
Cụ thể, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bước sang ngày 1/1/2021, Fiji sẽ là nước chào đón bé đầu tiên của năm và Hoa Kỳ là nước cuối cùng. Trên toàn cầu, ước tính hơn một nửa số trẻ em được sinh ra trong ngày đầu năm mới ở tại 10 quốc gia: Ấn Độ (59.995); Trung Quốc (35.615); Nigeria (21.439); Pakistan (14.161); Indonesia (12.336), Ethiopia (12.006); Hoa Kỳ (10.312), Ai Cập (9.455); Bangladesh (9.236) và Congo (8.640).
Kết quả này được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc thực hiện dựa trên dữ liệu đăng ký sinh và khảo sát hộ gia đình của các quốc gia để ước tính tỷ lệ sinh hàng tháng, hàng ngày. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cũng sử dụng số liệu về số ca sinh trực tiếp hàng năm và tuổi thọ trung bình từ ấn phẩm Triển vọng Dân số Thế giới của Liên hợp quốc năm 2019 để ước tính các em bé sinh ra vào ngày 1/1/2021 và tuổi thọ trung bình.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc luôn chào đón tất cả các bé được sinh ra trên thế giới cũng như Việt Nam; đồng thời thể hiện mối quan tâm về vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam, dẫn đến tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao, với 111,5 bé trai/100 bé gái (Điều tra dân số và nhà ở năm 2019).
Việc lựa chọn giới tính dẫn đến các hậu quả xã hội và vấn đề nảy sinh từ sự mất cân bằng giới tính khi sinh đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến nghị, Việt Nam cần có các hành động kịp thời để ngăn chặn việc này.
Năm 2021, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc kỷ niệm 75 năm ngày thành lập; tiến hành các sự kiện kỷ niệm đánh dấu chặng đường ba phần tư thế kỷ hoạt động để bảo vệ trẻ em khỏi xung đột, bệnh tật, đảm bảo quyền được sống, mạnh khỏe và học tập của trẻ.