Công trình trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông (thị xã Đông Hòa) được đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2017 với công suất thiết kế cung cấp nước sạch cho hơn 1.800 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, công trình này chỉ mới cung cấp nước cho khoảng 350 hộ. Nhiều hộ dân khác phải sử dụng nước giếng đào hoặc giếng khoan để phục vụ sinh hoạt nhưng nguồn nước này ở một số khu vực bị nhiễm phèn, dầu hoặc có mùi hôi rất nặng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (thôn Thạch Tung 2, xã Hòa Xuân Đông) sinh sống cách trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông hơn 3 km nhưng nhiều năm nay phải sử dụng nước giếng khoan do đường ống nước sạch chưa được đầu tư đến nhà. Nước giếng lại bị nhiễm phèn và có mùi tanh hôi dù đã qua bể lọc khiến cho cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Gia đình bà phải đi lấy nước sạch nơi khác về để nấu ăn; nước giếng chỉ dùng để giặt áo quần, rửa bát, tưới cây.
Không chỉ riêng gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung mà nhiều hộ dân khác tại xã Hòa Xuân Đông cũng đang gặp khó khăn khi phải dùng nước giếng bị nhiễm phèn, hôi mà không thể sử dụng được nguồn nước của trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông. Nhiều hộ đã cùng kiến nghị Ủy ban nhân dân xã và huyện mong muốn được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, công trình này hiện chỉ mới được đầu tư đường ống dẫn đến một số khu vực trong xã.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa cho biết, trên địa bàn thị xã có 3 công trình cấp nước nông thôn tập trung là trạm cấp nước tập trung Vũng Rô, trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông và trạm cấp nước sạch xã Hòa Xuân Nam. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn là 1.182/14.662 hộ, mới chỉ chiếm 8,12%. Về công trình trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông, sau khi người dân có kiến nghị công trình hoạt động chưa hiệu quả, Ủy ban nhân dân thị xã đã bàn giao công trình này lại cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên tiếp quản vận hành. Trung tâm đã nhiều lần làm việc với địa phương và các ban, ngành để tính toán phương án sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo đưa công trình vào sử dụng đúng công suất thiết kế; tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 86 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, 30 công trình có công suất thiết kế từ 100 m3/ngày đêm trở xuống; 18 công trình có công suất thiết kế trên 100 - 200 m3/ngày đêm; 18 công trình có công suất thiết kế lớn hơn 200 m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 400 m3/ngày đêm; 15 công trình có công suất thiết kế lớn hơn 400 m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 600 m3/ngày đêm; 1 công trình có công suất thiết kế 800 m3/ngày đêm; 2 công trình có công suất thiết kế 1.000 m3/ngày đêm; 2 công trình có công suất thiết kế 1.500 m3/ngày đêm. Trong số 86 công trình cấp nước nông thôn tập trung trên có 18 công trình được đầu tư hệ thống khử trùng nước và bể lọc, 20 công trình được đầu tư bể lọc, 30 công trình không có xây dựng bể lọc nước và hệ thống khử trùng nước, 18 công trình đấu nối nguồn từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên.
Kết quả cập nhật về bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Phú Yên năm 2021 do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cho thấy, trong 86 công trình cấp nước nông thôn tập trung có 54 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững; còn lại 32 công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt 60,6%.
Hàng năm, nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh còn quá ít so với nhu cầu cần thiết của địa phương. Trong khi đó, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung có quy mô nhỏ, đầu tư chưa đồng bộ, nguồn nước khai thác không ổn định và đã có thời gian sử dụng trên 10 năm nên dễ bị hư hại, xuống cấp. Ngoài ra, do địa bàn vùng nông thôn rộng lớn nên việc đầu tư đường ống gặp khó khăn, thường xuyên bị hư hỏng trong quá trình sản xuất của người dân, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước lớn (khoảng 20 - 30%). Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều công trình cấp nước nông thôn tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.
Việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch sinh hoạt nông thôn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên chỉ đạo thực hiện từ năm 2015 nhưng đến nay chỉ có 3 nhà đầu tư được tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà máy nước, thi công đường ống dẫn nước; việc xây dựng giá bán nước sinh hoạt nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập; một số nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn vì thu nhập người dân nơi đây còn khó khăn.
Ông Hồ Hữu Như cho biết, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch đầu tư, nâng cấp 83 công trình cấp nước nông thôn tập trung đã đầu tư xây dựng ở giai đoạn trước để đảm bảo duy trì hoạt động các công trình này. Ở một số khu vực chưa có công trình cấp nước nông thôn tập trung, Trung tâm đề xuất thực hiện giải pháp đầu tư nâng cấp một số giếng đào, giếng khoan và hệ thống xử lý nước tại hộ gia đình.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại những khu vực thuận lợi cho công tác vận hành, quản lý. Đối với khu vực miền núi khó khăn, Trung tâm đề nghị các địa phương tiếp tục sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (khoảng 80%) và ngân sách địa phương cùng sự đóng góp từ người dân (khoảng 20%) để đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, từ đó nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.