Con đường trải nhựa uốn lượn chạy quanh những triền đồi xanh ngắt của
rừng cọ, đồi chè đưa chúng tôi đến nhà của thương binh Nguyễn Chí Hạnh,
xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ). Bên chiếc xe ô tô khách cùng
mấy anh em lao động, ông Hạnh kể cho chúng tôi nghe về một thời oanh
liệt tại chiến trường mặt trận biên giới phía Bắc.
Ông Nguyễn Chí Hạnh (áo đen, bên trái) được trao bằng khen tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tỉnh Phú Thọ năm 2012. Ảnh: baophutho.vn |
Năm 1987, ông được phục viên trở về địa phương với thương tật 89%, mất cả hai cánh tay, nhưng với ý chí của một thương binh “tàn nhưng không phế”, ông Hạnh tự nhủ phải tìm cho mình một công việc phù hợp để mưu sinh.
Thế rồi ông tập viết chữ bằng chân, tự tập luyện để phục vụ một số việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Ông ra sức học tập, xem truyền hình, đọc báo để đúc kết thành một kinh nghiệm làm ăn phục vụ cho chính mình và gia đình.
Có chút kinh nghiệm cộng với đồng vốn ít ỏi tích cóp được từ trước, ông Hạnh quyết định lao động bằng buôn bán nhỏ, dần dần tích cóp được chút vốn và vay mượn thêm để mở cửa hàng tổng hợp, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, đồ điện và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác nên dần dần gia đình anh Hạnh đã có của ăn, của để.
Không dừng lại ở việc buôn bán, năm 2005 ông Hạnh mua 1 xe ô tô 16 chỗ làm dịch vụ đám cưới, đưa đón người đi xuất khẩu lao động kết hợp đi lấy hàng về bán… Năm 2009, ông Hạnh mua thêm 1 ô tô khách 30 chỗ chạy tuyến Liên Hoa - Mỹ Đình (Hà Nội). Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về gần 100 triệu đồng từ việc buôn bán là làm dịch vụ vận tải, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Nguyễn Phúc Phú, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong danh sách 67 đại biểu đại diện cho hàng ngàn thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh về dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tỉnh Phú Thọ vừa qua, chúng tôi thấy nhiều tấm gương vươn lên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội.
Là người dân tộc Mường, anh Đinh Công Hải ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập vừa là bệnh binh vừa là thương binh đã vượt qua bao khó khăn về bệnh tật và thương tật do chiến tranh để lại. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh đã cùng gia đình vượt khó để vươn lên, đầu tư máy móc, mở cơ sở sản xuất vật liệu. Từ hai bàn tay với sức lao động anh đã vươn lên làm giàu, đến nay anh đã có số vốn trên 3 tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm cho 30 lao động, đảm bảo ổn định mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở của anh ngày càng được mở rộng, đầu tư thêm máy móc hiện đại, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người hơn, nâng mức thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình lên trên 50 triệu đồng…
Khác với cách làm ăn của ông Hạnh và anh Hải, anh Đỗ Mạnh Tiến, Cựu chiến binh xóm Ngọc Đồng, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn lại chọn cho mình cách làm ăn từ việc trồng rừng, bán cây nguyên liệu giấy… với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Anh Tiến tâm sự: Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, năm 1981 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với tài sản khổng lồ là tinh thần, nghị lực đã được tôi luyện trong quân đội. Cuộc sống khó khăn, anh Tiến cùng gia đình nai lưng thâm canh mấy sào ruộng, đi bừa và kéo gỗ thuê cho bà con trong xóm, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Không cam chịu cảnh nghèo khó, anh Tiến quyết định bỏ nghề làm ruộng đi làm thợ xây, thợ mộc rồi đến cả nghề xe ôm trong 8 năm mà kết quả thu được cũng chẳng đáng là bao.
Với đồng vốn ban đầu do tích cóp được sau 20 năm lao động vất vả, năm 2000 anh đã mua lại những diện tích rừng sắp đến chu kỳ khai thác của người dân để cung cấp tận nơi có nhu cầu. Địa bàn thu mua nguyên liệu được anh mở rộng ở nhiều huyện. Để thuận tiện cho việc buôn bán, anh mạnh dạn đầu tư mua thêm hai xe ô tô tải chuyên chở gỗ bán cho Công ty giấy Bãi Bằng. Nhờ đó, ngay năm đầu tiên, anh Tiến đã thu lãi trên 30 triệu đồng, các năm tiếp theo số tiền lãi tăng dần theo cấp số nhân 50, 80 rồi đến 200 triệu đồng...
Anh Tiến tiếp tục vay thêm tiền ở Ngân hàng Quân đội và Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn cộng với số vốn thu được từ việc làm cây, anh Tiến đầu tư mua thêm hai máy xúc để phục vụ công việc gia đình và nhận xúc, ủi thuê cho các công trình đang thi công trên địa bàn... Năm 2012, tổng thu nhập của gia đình anh từ đồi rừng, vận tải và hai máy xúc đạt tới trên 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động lại địa phương với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.