Một số đơn vị có số nợ lớn, nợ kéo dài, thiếu, phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để trả nợ như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đóng tàu Nha Trang; Công ty đóng tàu Cam Ranh; Công ty cổ phần hàng không Hải Âu; Công ty cổ phần cà phê Mê Trang; Công ty cổ phần khách sạn Bến Du thuyền… Đặc biệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Nha Trang hiện có 103 người lao động nhưng đã nợ 33 tháng. Tính đến tháng 10/2022, Công ty này còn nợ bảo hiểm xã hội với số tiền 2,7 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra đột xuất các doanh nghiệp nợ Quỹ Bảo hiểm xã hội kéo dài.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa, đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Nha Trang, nếu trường hợp đại diện hãng taxi này không hoàn thành việc đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý theo quy định.
Ông Phạm Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm đã triển khai nhiều biện pháp để thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, hằng tháng, cơ quan bảo hiểm đều gửi thông báo tình hình nợ đọng đến các đơn vị; lên kế hoạch làm việc với những đơn vị có số nợ lớn; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành; phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ theo quy chế phối hợp.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm đôn đốc thu, thu nợ theo đúng quy định pháp luật.