Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2020, có 1.294 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên với số nợ là 116,4 tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước có 8 đơn vị còn nợ 22,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 1.194 đơn vị nợ 79,7 tỷ đồng; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 21 đơn vị nợ 11,3 tỷ đồng; các khối khác có 71 đơn vị nợ 3,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Đáng chú ý, số đơn vị trên địa bàn thành phố Nha Trang nợ từ 1 tháng trở lên chiếm tỷ trọng lớn so với tổng số đơn vị nợ và số nợ toàn tỉnh.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Khánh Hòa, toàn tỉnh còn có 288 đơn vị nợ tiền bảo hiểm từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền 42 tỷ đồng. Một số đơn vị có số nợ lớn, tiếp tục nợ, thiếu phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Nha Trang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Cam Ranh, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bạch Việt - Bavico International Hotel Nha Trang…
Trước thực trạng trên, Bảo hiểm Xã hội Khánh Hòa tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng xã hội trong thời gian tới. Cụ thể như phát hành văn bản đôn đốc, thu nợ gửi các đơn vị; lập tổ công tác liên ngành để thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đơn vị triển khai kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về thu nợ bảo hiểm; phối hợp với các ngân hàng thực hiện việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để đóng số tiền nợ bảo hiểm xã hội theo hợp đồng đã ký kết.
Tính đến hết tháng 5/2020, tỉnh Khánh Hòa đã thu được 1.327,9 tỷ đồng tiền bảo hiểm, tuy nhiên số lao động tham gia bảo hiểm xã hội giảm 28.709 người.