Bình Định huy động mọi lực lượng tập trung xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh sau lũ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp thêm 1,4 triệu viên Cloramin B, 1.140 kg Cloramin bột, 50 kg phèn chua và 2.250 viên thuốc khử trùng nước uống Aquatabs cho các địa phương; cấp 200 sổ tay hướng dẫn xử lý nước và môi trường cho các trung tâm y tế xã, thị trấn. Các đoàn viên thanh niên xung kích tại các bệnh viện dân quân y phối hợp thành lập các đoàn bác sĩ về các địa phương khám bệnh, cấp thuốc và hướng dẫn nhân dân phòng tránh dịch bệnh sau lũ; tổ chức lực lượng tổng vệ sinh và xử lý môi trường, khử độc sát trùng các khu vực bị mưa lũ gây ô nhiễm với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó.
Hiện nay, tại huyện Tuy Phước đã xuất hiện một số người bị đau mắt đỏ.
Quảng Ngãi: Ngày 12/11, ông Nguyễn Anh Dũng, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, việc sửa chữa và làm lại nhà ở tạm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở bị hư hỏng nặng do mưa lớn gây ra đã hoàn tất.
Mưa lớn trong những ngày qua đã làm cho 15 ngôi nhà của người dân ở xã Sơn Dung bị tốc mái, xiêu vẹo và 6 ngôi nhà ở xã Sơn Long nằm trong khu vực nguy hiểm do nguy cơ sạt lở núi cao. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện Sơn Tây đã di chuyển 6 hộ sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao đến nơi ở an toàn. Trước mắt UBND xã Sơn Long đã hỗ trợ các hộ này làm nhà ở tạm, sau đó họ sẽ được hỗ trợ kinh phí để làm lại nhà ở kiên cố hơn. Đối với số hộ có nhà ở bị tốc mái, xiêu vẹo, huyện Sơn Tây đã hỗ trợ vật liệu và vận động bà con trong xã giúp đỡ ngày công lao động để sửa chữa lại nhà ở.
Nghệ An: Trận mưa lũ vừa qua đã gây hư hỏng, sạt lở nhiều hệ thống kênh mương, cầu cống, gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp khá nặng nề cho bà con ở hai huyện Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An). Sau khi nước rút, chính quyền hai huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực, phương tiện hàn gắn lại hệ thống kênh mương, cầu cống, nhất là tuyến kênh nội đồng.
Theo đó, UBND huyện Đô Lương đã chỉ đạo các xã, nông dân và học sinh trên địa bàn ra quân nạo vét được gần 88.700 m3 bùn đất trên hệ thống kênh tưới tiêu; đào đắp gần 114.000 m3 đất bờ vùng, bờ thửa; sửa chữa gần 2.300 m3 kênh mương bê tông; xây lắp 347 cống tiêu úng nội đồng... Hiện tại, huyện Đô Lương đã được hỗ trợ hơn 18.000 kg giống ngô lai, ngô nếp; 500 kg giống hạt rau và trên 7.500 kg giống cá các loại... giúp nhân dân vùng lũ.
Tại huyện Thanh Chương, UBND huyện chỉ đạo các ngành, chính quyền các xã tập trung tiêu thoát nước kịp thời đối với những vùng lúa còn ngập; tổ chức chăm sóc cây trồng vụ đông, nhất là những diện tích ngô, lạc còn khả năng sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch.
Đến nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn hai huyện Đô Lương, Thanh Chương đảm bảo an toàn, tích trữ nước đúng quy trình để có nước phục vụ sản xuất cây vụ đông 2010 và vụ xuân năm 2011.
TTN/TTXVN