Khai trương 2 tuyến buýt mới ra ngoại thành Hà Nội

Sáng 10/10, Tổng Công ty vận tải Hà Nội khai trương 2 tuyến xe buýt 87 (Bến xe Mỹ Đình - Quốc Oai - Xuân Mai) và tuyến 88 (Bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai).

Ảnh minh họa - TTXVN

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho biết, đây là 2 tuyến xe buýt mở rộng vùng phục vụ ra khu vực ngoại thành phía Tây và Tây Nam Hà Nội - những nơi chưa có xe buýt, nhằm từng bước hiện thực hóa chủ trương của thành phố để nhiều người dân được hưởng dịch vụ xe buýt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hai tuyến buýt số 87, 88 có vai trò kết nối hành khách đi lại về trung tâm bằng xe buýt tiêu chuẩn có trợ giá với dịch vụ.

Hai tuyến buýt này sử dụng loại xe 60 chỗ, màu sơn vàng - đỏ; logo bộ nhận diện thương hiệu xe buýt Hà Nội với hình ảnh cánh chim bồ câu cách điệu gắn biểu tượng Khuê Văn Các; hệ thống GPS, âm thanh tự động thông báo điểm dừng và các thông tin dịch vụ, tuyến kết nối; dịch vụ Wifi miễn phí. Thời gian giãn cách chạy xe 20-30 phút/lượt; vận hành 85-86 lượt xe/ngày; thời gian hoạt động từ 5h00 đến 19h45; giá vé lượt 9.000 đồng/hành khách, giá vé tháng thực hiện theo quy định như các tuyến buýt có trợ giá khác của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin dịch vụ cho khách hàng được cải thiện, bổ sung với thiết kế đơn giản, nội dung dễ hiểu và gần gũi, thuận tiện và dễ nhận biết cho hành khách đi xe. Tại các đầu bến có pano với đầy đủ các thông tin chi tiết về tiêu chí dịch vụ của tuyến như lộ trình, thời gian xuất bến, các điểm dừng, tuyến kết nối, giá vé, thông tin đường dây nóng…

Lộ trình tuyến buýt 87 chiều đi từ bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – đại lộ Thăng Long (làn đường gom) – cầu vượt Hoàng Xá – Quốc Oai – Thạch Thán – tỉnh lộ 42 B – Quốc lộ 6 – Xuân Mai (Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam, Quốc lộ 6). Chiều về: Xuân Mai (Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam) – Quốc lộ 6 – tỉnh lộ 421B – Thạch Thán – Quốc Oai – đại lộ Thăng Long (làn đường gom) – Phạm Hùng – quay đầu tại ngã tư Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết – Phạm Hùng – bến xe Mỹ Đình.

Lộ trình tuyến 88 có chiều đi bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Mễ Trì – Lê Quang Đạo – đại lộ Thăng Long (đường gom) – nút giao Hòa Lạc – Quốc lộ 21B – đường Hồ Chí Minh – Xuân Mai (Trường cao đẳng Cộng đồng Hà Tây). Chiều về: Xuân Mai (Trường cao đẳng Cộng đồng Hà Tây) – đường Hồ Chí Minh – Quốc lộ 21B – Đại lộ Thăng Long (đường gom) - Lê Quang Đạo – Mễ Trì – Phạm Hùng – quay đầu tại ngã tư Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết – Phạm Hùng – bến xe Mỹ Đình.


Việc mở 2 tuyến xe buýt phục vụ cho khu vực ngoại thành phía Tây và Tây Nam Hà Nội, những nơi chưa có xe buýt đã được chính quyền địa phương và người dân chờ đón. Trước đó, đầu tháng 9 vừa qua, Transerco đã tổ chức đưa vào hoạt động 2 tuyến buýt gom kết nối các khu đô thị với hình ảnh phương tiện nhận diện thương hiệu mới, đồng phục mới cho lái xe và nhân viên phục vụ; thay thế 25 xe mới cho 2 tuyến buýt nội đô với thương hiệu nhận diện mới của xe buýt Hà Nội.

Thời gian tới, bằng nguồn vốn vay, Transerco cũng đầu tư thêm 50 xe buýt mới, mỗi xe trị giá 2,8 tỷ đồng để đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Tuyết Mai (TTXVN)
Hà Nội quy hoạch 8 tuyến buýt nhanh
Hà Nội quy hoạch 8 tuyến buýt nhanh

Xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến và 3 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail (đường một ray).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN