Khai hội Chùa Hương 2011: Thành kính và nhộn nhịp

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu xuân, lễ hội Chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), một trong những lễ hội sớm nhất và kéo dài nhất trong năm, lại khai hội.


Hôm qua, ngày 8/2 (mùng 6 tháng Giêng, Tân Mão) lễ khai hội Chùa Hương đã diễn ra, thu hút đông đảo khách thập phương trong nước và quốc tế về dự.

Khách thập phương trẩy hội trên dòng suối Yến sáng 8/2/2011. Ảnh: Viết Tôn

Du khách về trẩy hội Chùa Hương năm nay có một cảm giác thật thanh bình khi chứng kiến dòng suối Yến sạch sẽ, nước trong, nạn đeo bám, chèo kéo khách đi đò đã giảm hẳn so với những năm trước.


Nếp sống văn minh trong lễ hội Chùa Hương đã góp phần đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực phát sinh trong mùa lễ hội. Toàn bộ hệ thống loa đài từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích được sử dụng tối đa cho công tác tuyên truyền.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý di tích thắng cảnh Chùa Hương cho biết: Ban tổ chức sẽ xử lý nghiêm khắc các đơn vị, cá nhân quảng cáo, bán hàng bằng hệ thống tăng âm loa đài dọc các đường đi.


Công tác đảm bảo giao thông trên suối Yến luôn thông suốt. Phương án phân luồng tại khu vực bến đò vào những ngày cao điểm cũng đã được triển khai, không để diễn ra tình trạng ách tắc giao thông trên dòng suối Yến.

Chùa Hương là thắng cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi với một dải non nước hữu tình, là thánh tích của Đức Phật Bà Quán Âm, chính vì vậy du khách gần xa luôn muốn trẩy hội đầu năm về đây, được sống trên mảnh đất thiêng.

Năm nay, phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm trước, UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo Ban tổ chức, Ban quản lý tăng cường, siết chặt công tác tổ chức, quản lý nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Hương Sơn, từng bước đề nghị UNESCO công nhận Chùa Hương là “Di sản Văn hóa Thế giới”.

Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương 2011 cho biết: Ban tổ chức đề ra mục tiêu xây dựng một lễ hội trang trọng, an toàn và tiết kiệm, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho du khách, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh và tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo của khách thập phương về dự hội.


Đặc biệt, ngay trong ngày khai hội, Hòa thượng Yoshimizu Dai Chi chùa Nisshin Kustu thành phố Tôkyô, Nhật Bản đã dâng tặng Chùa Hương 5 cây hoa Anh đào và số Anh đào này được trồng trong khuôn viên Chùa Hương.

Năm nay, Ban tổ chức phấn đấu đón hơn 1 triệu lượt du khách về thăm chùa mùa lễ hội. Nét mới trong mùa lễ hội năm nay là Ban tổ chức, Ban quản lý tăng cường công tác tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục cho mọi người thấy rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, để từ đó du khách khi tham gia vào lễ hội sẽ hiểu biết hơn, thấy rõ ý thức, nâng cao năng lực cộng đồng và trách nhiệm trong công việc.

Ngay trong ngày khai hội trên suối Yến có các thuyền văn hóa vừa hát quan họ du xuân, vừa tuyên truyền những kiến thức du lịch Chùa Hương cho du khách. Xuồng cấp cứu luôn trực chiến cấp cứu cho bệnh nhân khi cần chuyển ra tuyến ngoài hoặc bảo hộ trên suối. Năm nay, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các hàng quán được kiểm tra chặt chẽ, ngay cả dịch vụ chụp ảnh cũng hoạt động theo quy định.

Trong ngày khai hội, cũng diễn ra các nghi thức Phật giáo, múa rồng, múa tứ linh và chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng ngày khai hội. Các tự - viện trong quần thể Di tích thắng cảnh Chùa Hương đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thờ tự đúng chính Pháp.

Cùng với các hoạt động văn hóa, lễ hội vào đêm thơ Nguyên tiêu “Tâm Xuân”, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương sẽ tổ chức đêm thơ vào lúc 19 giờ ngày 14 tháng Giêng, Tân Mão. Tiếp đó là tuần lễ Văn hóa Phật giáo mừng Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm 19/2 - Tân Mão với các hoạt động: Phóng đăng trên suối Yến, chương trình ca nhạc mừng Khánh đản tại sân chùa Thiên Trù do Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, hát ca khúc mừng Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm, lễ Ngũ Bách Danh tại động Hương Tích. Vào đêm 19/2 âm lịch: Hát chèo Quan Âm do Đoàn chèo Hà Nội thực hiện tại sân chùa Thiên Trù.

Trong không khí thành kính và nhộn nhịp của ngày khai hội, Thượng tọa Thích Minh Hiền đã gửi thông điệp năm mới: “Tùng Lâm Hương Tích, nơi không gần không xa, tùy duyên mà đến, tùy hỷ mà về, là chốn quê nhà của những ai Tâm Từ - Trí Sáng, nơi các nạp tử, nhân sĩ, thiện tri thức, Phật tử xa gần quây quanh bàn Lục hòa mà cùng nhau khởi thiện, mong cho cõi Sa Bà thành miền Cực Lạc”.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN