Trong đơn cầu cứu gửi đến Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cần Thơ, bà Huỳnh Thị Thanh Dung cho biết, tháng 7/2022, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh có đến cửa hàng của bà nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Ninh Kiều) để mua hàng và tự giới thiệu đang là nhân viên MB Bank. Bà Oanh có tặng miễn phí cho bà Dung số tài khoản của MB Bank để giao dịch và sau đó liên tục mời gọi gửi tiết kiệm để sau 6 năm có khoản tiền tích lũy cho con. Sau đó, bà Oanh tiếp tục giới thiệu bà Lê Thị Thanh Tuyền là đồng nghiệp và là người phụ trách làm hồ sơ.
Theo bà Dung, nữ nhân viên tên Lê Thị Thanh Tuyền cũng nêu vài ý là gửi tiết kiệm tại ngân hàng và nói chỉ sau 6 năm sẽ có được khoảng tiền tích lũy cho con chứ không hề đề cập đến hai từ “bảo hiểm”. Do cả Oanh và Tuyền liên tục đến cửa hàng tác động, đồng thời, bà Dung nghĩ gửi tiền tiết kiệm cũng giống như những ngân hàng khác nên đã đồng ý gửi tiết kiệm tích lũy.
“Do biết tôi không có nhiều thời gian, hai nữ nhân viên ngân hàng MB Bank còn cho biết, tất cả việc hồ sơ để họ làm gửi tích lũy, còn tôi chỉ việc ký tên và chuyển tiền gửi là hoàn tất hồ sơ”, bà Huỳnh Thị Thanh Dung nói.
Cuối tháng 9/2022, nhân viên tên Tuyền mang theo giấy tờ đã được soạn sẵn và cũng nói nội dung chính trong hồ sơ là gửi tích lũy, đồng thời yêu cầu chị Dung ký vào những tờ giấy đã được gấp lại sẵn, che hết nội dung. Ngoài ra, bà Tuyền còn yêu cầu con gái của bà Huỳnh Thị Thanh Dung là em Đặng Huỳnh Gia Hân (sinh năm 2004) đồng ký tên để thụ hưởng tiền tiết kiệm.
Bà Dung chia sẻ, do bận rộn công việc và tin tưởng theo lời của hai nữ nhân viên nên chỉ ký mà không xem, cũng như không lưu lại hồ sơ. Sau khi ký hợp đồng xong, ngay trong ngày, bà Dung đã chuyển tiền lần 1 là 52 triệu đồng vào tài khoản MB Ageas Life theo hướng dẫn.
Đến giữa tháng 7/2023, nghe một số người quen cho biết vừa bị mắc lừa mua phải gói bảo hiểm có giá trị thời gian đến gần 100 năm hết sức vô lý mà không hề có nhu cầu tham gia thì bà Dung lo lắng mình cũng rơi vào tình trạng này. Bà Dung đã gọi điện và nhắn tin cho bà Tuyền để hỏi nhưng không được trả lời.
Theo lời bà Dung, thấy sự việc bất thường nên sau đó bà tiếp tục liên lạc với bà Oanh thì lúc này bà Tuyền mới chủ động nhắn lại và gửi file hồ sơ hợp đồng qua zalo. Khi đó, bà Dung mới phát hiện là hợp đồng của mình là gói mua bảo hiểm chứ không phải tiền gửi tiết kiệm.
“Sự việc trên cho thấy, hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Kiều Oanh và Lê Thị Thanh Tuyền đã lợi dụng lòng tin của tôi đánh tráo khái niệm nhằm lừa gạt để bán bảo hiểm trái ý muốn mà tôi hoàn toàn không có nhu cầu mua. Mặt khác, điều hết sức vô lý là năm nay tôi đã ngoài 40 tuổi, họ bán bảo hiểm có thời gian đáo hạn là 82 năm thì nghĩa là khi đó tôi đã hơn 120 tuổi” - bà Dung nói.
Trong hợp đồng bảo hiểm gửi kèm theo đơn cầu cứu, bà Huỳnh Thị Thanh Dung là người mua bảo hiểm và người thụ hưởng còn người được bảo hiểm chính là Đặng Huỳnh Gia Hân (sinh năm 2004 - con gái bà Huỳnh Thị Thanh Dung). Theo thông tin ghi trong hợp đồng, thời hạn hợp đồng là 100 năm trừ cho tuổi bắt đầu của người được bảo hiểm. Thời điểm ký hợp đồng, em Đặng Huỳnh Gia Hân 18 tuổi, như vậy thời gian đáo hạn hợp đồng là 82 năm.
Sau khi phát hiện mình bị “lừa” mua bảo hiểm trong khi không hề có nhu cầu, bà Dung đã gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ, MB Bank Chi nhánh Cần Thơ yêu cầu làm rõ.
Ngày 7/8, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ đã có văn bản gửi Giám đốc MB Bank Chi nhánh Cần Thơ yêu cầu xác minh thông tin, báo cáo về việc công dân phản ánh bị lừa gạt bán bảo hiểm có thời gian đáo hạn là 82 năm.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ nêu rõ: Bà Huỳnh Thị Thanh Dung (ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều) phản ánh việc bà Nguyễn Thị Kiều Oanh và Lê Thị Thanh Tuyền là nhân viên của MB Bank đã đến cửa hàng kinh doanh để tiếp cận và lợi dụng lòng tin, đánh tráo khái niệm, lừa gạt để bán bảo hiểm trong khi bà Dung hoàn toàn không có nhu cầu mua bảo hiểm. Bà Huỳnh Thị Thanh Dung đã ngoài 40 tuổi, bảo hiểm bán có thời gian đáo hạn là 82 năm. Bà Huỳnh Thị Thanh Dung đề nghị cần làm rõ việc này để cảnh báo phòng ngừa chung, tránh những trường hợp bị mắc lừa tương tự khi mua gói bảo hiểm trái ý muốn với thời gian đáo hạn gần 100 năm.
“Thực hiện chức năng quản lý các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ đề nghị Giám đốc MB Bank Chi nhánh Cần Thơ xác minh lại thông tin công dân phản ánh, báo cáo về Ngân hàng nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ yêu cầu.
Trong văn bản trả lời khách hàng, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas khẳng định: Khách hàng đã nhận được tin nhắn phát hành hợp đồng điện tử, xác nhận thông tin về hợp đồng bảo hiểm đã chính xác, đã được tư vấn về hợp đồng bảo hiểm và không có phản ánh nào về chất lượng tư vấn của cộng tác viên Lê Thị Thanh Tuyền. Vì vậy, công ty không đủ cơ sở giải quyết phản ánh của khách hàng.
Đồng thời, Công ty MB Ageas cho biết, ngày 17/10/2022, nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty đã liên lạc thành công với bà Huỳnh Thị Thanh Dung để trao đổi các nội dung nêu trên. Nếu tại thời điểm trên, MB Ageas Life kịp thời ghi nhận những phản ánh từ khách hàng thì công ty đã có cơ hội làm rõ và giải quyết yêu cầu của khách hàng bao gồm cả yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trong 21 ngày cân nhắc.
Công ty MB Ageas cũng cho rằng, ngày đáo hạn hợp đồng là ngày kỷ niệm năm hợp đồng khi tuổi bảo hiểm đạt 100 năm nếu hợp đồng còn hiệu lực đến ngày cuối cùng của thời hạn hợp đồng. Trường hợp hủy hợp đồng trong những năm đầu, khách hàng sẽ bị thiệt hại về tài chính do giá trị hoàn lại chưa bằng số phí đã đóng. Cụ thể trong 6 năm đầu, hủy hợp đồng trong năm thứ nhất bị trừ đi số tiền 90%, năm thứ 2 là 80%, năm thứ 3 là 70%, năm thứ 4 là 50%, năm thứ 5 là 20% và năm thứ 6 là 0%.