Khắc phục sự cố sau bão số 6 tại nhiều địa phương

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, ảnh hưởng của bão số 6, hoàn lưu bão và mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.

Chú thích ảnh
Bão số 6 làm nước biển dâng cao, sóng hất tung đất đá lên vỉa hè đường Như Nguyệt. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Do ảnh hưởng bão số 6, thành phố Đà Nẵng có 3 vụ lưới điện 110kV bị sự cố, 177 trạm biến áp chưa khôi phục, một số khu vực còn mất điện. Hiện thành phố đang nỗ lực xử lý các sự cố này.

Sáng 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to khiến nhiều nơi bị chia cắt, ngập lụt… Lượng mưa đo được tại nhiều nơi trên địa bàn rất cao; trong đó, đáng chú ý có xã Thái Thủy, Văn Thủy, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) lượng mưa đo được đều khoảng từ 449 - 540 mm. Hiện nay, nước trên sông Kiến Giang tại trạm thủy văn Kiến Giang đã vượt báo động 3 hơn 2,67 m; nước trên sông Gianh tại trạm thủy văn Lệ Thủy vượt báo động 3 hơn 0,42 m.

Tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, nước lũ gây chia cắt các tuyến đường nối với 11 bản, làng ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Trường Sơn, Trường Xuân với hơn 369 hộ, với 1.314 khẩu bị ảnh hưởng. Cùng với đó, các tuyến Quốc lộ 9B, 9C, Quốc lộ 15, các tuyến tỉnh lộ 558B ở Quảng Bình có nhiều đoạn, điểm bị ngập sâu trong nước, ngăn cách giao thông. Các lực lượng chức năng đã bố trí rào chắn và trực gác cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân.

Chú thích ảnh
Nhiều nhà dân tại xã Cam Liên, huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Do mưa lớn kéo dài, tình hình sạt lở ở tỉnh Quảng Bình cũng trong tình trạng báo động cao. Khu vực bờ biển thôn Thanh Xuân (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, sâu 2 - 3 m; quốc lộ 9B đoạn Km77+580 sụt ta luy âm (P) dài khoảng 15m đã xói lở đến chân nền đường. Đơn vị quản lý đã rào chắn khu vực này để đảm bảo giao thông; đồng thời, tiếp tục theo dõi để xử lý. Cùng với đó, trên nhiều tuyến đường này có những điểm đoạn bị sạt lở ta luy dương với khối lượng ước khoảng 2.000 m3 gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Hiện nay, công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với tình hình bão, lụt đang được chính quyền các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai. Tỉnh đẩy mạnh phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); ưu tiên triển khai di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Chú thích ảnh
Tuyến đường về xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu trong nước, gây chia cắt. Ảnh: Thanh Thuỷ/TTXVN

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn khiến nhiều nơi tại các huyện: Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh... bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ cũng làm nước dâng cao gây ngập các ngầm tràn từ 2 - 3 m, làm chia cắt nhiều bản, làng tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Đến sáng 28/10, tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán 937 hộ với 2.423 nhân khẩu.

Tính đến 10 giờ ngày 28/6, mưa lũ đã làm 7 người thương vong và mất tích (2 người thiệt mạng ở Thừa Thiên - Huế do bị nước cuốn trôi, 1 người mất tích tại Quảng Bình do nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, 4 người bị thương tại Quảng Nam); 295 nhà hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 1, Thừa Thiên - Huế 214, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 62); 15.199 nhà ngập (Quảng Bình 15.032, Quảng Trị 69, Thừa Thiên - Huế 47, Đà Nẵng 51); 431ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng); 1.018 cây xanh đô thị bị gãy đổ (Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng ); 71 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi (Quảng Nam); 332 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Bình, Quảng Trị); 950m kè, kênh mương bị hư hỏng (Quảng Trị); 8,6km bờ biển bị xói lở (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).

Cùng với đó, có 37 vị trí trên quốc lộ 9B (Quảng Bình), đường Hồ Chí Minh (Quảng Trị) bị sạt lở; ngập một số vị trí ngầm tràn trên các quốc lộ 9B, 9C, 15 (Quảng Bình), 15D (Quảng Trị) và nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên xã trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đến sáng 28/10, các tuyến đường, ngầm tràn tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cơ bản đã rút nước, giao thông bình thường.

Để tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão và mưa lớn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 22/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 ngày 27/10/2024.

Các tỉnh, thành phố tổ chức khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, đồng thời tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Thắng Trung (TTXVN)
Chủ động ứng phó hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn kéo dài
Chủ động ứng phó hoàn lưu bão số 6 gây mưa lớn kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo  khí tượng văn Quốc gia, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng hoàn lưu bão vẫn gây mưa lớn tại khu vực miền Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN