Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ ngày 16/9 đã có 329 người chết, mất tích (291 người chết, 38 người mất tích), 1.922 người bị thương do bão số 3 và mưa lũ. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 32.787 tỷ đồng. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.
Trong khi tại nhiều địa phương phía Bắc đang oằn mình khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra, trên Biển Đông đang hình thành một vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão. Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới dự kiến di chuyển vào Biển Đông trong ngày 17/9 và mạnh lên thành bão vào ngày 18/9. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Tiếp tục hỗ trợ người dân vùng lũ
Dự Chương trình truyền hình đặc biệt “Điểm tựa Việt Nam” do Đài truyền hình Việt Nam phát trực tiếp trên kênh VTV1, hướng đến người dân vùng lũ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách, ai cũng cần một điểm tựa. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với đồng bào, đồng chí về “6 điểm tựa Việt Nam”.
Tiếp tục hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, ngày 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ký các quyết định xuất cấp lương thực, vật tư, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho Hưng Yên, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lào Cai khắc phục hậu quả bão số 3.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, những tình huống phát sinh sau bão, lũ đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương chủ động xử lý từ sớm, từ xa để quyền lợi bảo hiểm xã hội, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân được đảm bảo với tinh thần cải cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Đối với vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão (như thiệt hại nặng nề, bị chia cắt, gián đoạn giao thông, hạ tầng, liên lạc, mất điện, nước...), Bảo hiểm xã hội các địa phương cử cán bộ cùng với các ngành, các cơ quan liên quan trực tiếp đến địa bàn để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Ngày 16/9, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ và bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các bộ, ngành đề nghị bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt.
Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các trường Đại học Y, dược và bệnh viện tại các tỉnh, thành phố khác có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt, Bộ Y tế yêu cầu sẵn sàng chi viện, thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh...
Đối với các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cần tiếp tục phát huy tinh thần "Lương y phải như từ mẫu" của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh; trường hợp vượt quá khả năng chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa. Lưu ý không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo Sở Y tế.
Trong nước, các địa phương tiếp tục tổ chức quyên góp ủng hộ nhân dân các tỉnh khu vực phía Bắc. Tính đến 17 giờ ngày 16/9, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận 1.236 tỷ đồng.
Nhịp sống bình thường dần trở lại
Với sự hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương trong cả nước, các tổ chức quốc tế… và nỗ lực vượt khó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ, cơ sở hạ tầng được khắc phục từng ngày, học sinh đã đi học trở lại.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã khắc phục phát sóng 383 trạm BTS; trong đó có các xã điểm nóng như Phúc Khánh, Trung Lèng Hồ, A Lù, Bản Cái, Nậm Lúc, Nậm Khánh. Xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên là địa phương cuối cùng bị mất sóng của cả 3 nhà mạng cũng đã chính thức có sóng di động vào tối 15/9.
Lào Cai cũng đã chốt phương án tái định cư cho thôn Làng Nủ mới cách thôn cũ bị lũ 2km. Đây là khu vực rộng rãi, có địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước. Chính quyền địa phương đã lấy ý kiến biểu quyết của người dân thôn Làng Nủ còn sống sau trận lũ và nhận được sự đồng thuận 100%. Trong ngày 16/9, chính quyền địa phương triển khai máy móc vào đo đạc, quy hoạch, thống kê đền bù giải phóng mặt bằng, thi công, quyết tâm hoàn thành trước 31/12/2024.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, ngày 16/9, địa phương có 520 trường học tổ chức dạy học trở lại sau lũ; 78 trường chưa tổ chức dạy học (chiếm khoảng 13%). Trong đó, huyện Bảo Yên chịu thiệt hại nặng nhất với 55 trường chưa thể tổ chức dạy học, chiếm trên 80% số trường học trên địa bàn.
Sau nhiều nỗ lực giải tỏa các điểm tắc nghẽn, đến nay, hệ thống đường giao thông của tỉnh Cao Bằng đi các huyện và từ huyện đến các xã đã được khơi thông, đảm bảo cho việc đi lại của nhân dân. Sở Giao thông vận tải Cao Bằng cũng cho phép khôi phục lại các hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh để tiếp nhận hàng cứu trợ và tái thiết kinh tế của địa phương.
Ngày 16/9, tỉnh Yên Bái đã có 436/442 cơ sở giáo dục cho học sinh quay trở lại trường học, chỉ còn 5 trường và 1 điểm trường học sinh chưa đi học được.
Các lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ. Chiều 16/9, lực lượng cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Phú Thọ) phát hiện 1 thi thể nam giới trên sông Hồng, thuộc địa phận khu 10, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, cách hiện trường khoảng 8km về phía hạ lưu sông Hồng. Trước đó, vào chiều 14/9, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 1 thi thể nữ trôi dạt trên sông Hồng, đoạn thuộc xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao).