Khảo sát tại khu vực kè mềm khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển Cồn Bửng, xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, bà Hồ Thị Hoàng Yến đánh giá cao hiệu quả công trình mang lại. Công trình tạo bồi tốt, giảm thiểu tình trạng sạt lở khu vực bờ biển này.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục phát huy hiệu quả của công trình mang lại, có hướng mở rộng áp dụng cho các khu vực sạt lở bờ biển khác vùng lân cận. Đồng thời, trồng thêm cây rừng trong khu vực kè để công trình đạt hiệu quả cao, bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, khu vực Cồn Bửng trước đây bị sạt lở rất nặng, tuy nhiên sau khi đầu tư hệ thống kè mềm, tình trạng sạt lở đã giảm đáng kể, diện tích rừng trong khu vực được bảo vệ. Kè mềm tại bờ biển Cồn Bửng tỉnh Bến Tre được đầu tư cách đây 4 năm đã tạo được bãi bồi rộng 15 ha, nhiều loại cây đã sinh sôi, phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Điền, kinh phí làm kè mềm khá thấp, chỉ khoảng 10 tỉ đồng/km. Trong khi chi phí để làm bê tông với cùng chiều dài hết khoảng 60 - 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, để thi công loại kè mềm trên diện rộng cần có thêm thời gian để đánh giá, tùy theo từng khu vực sạt lở sẽ có giải pháp phù hợp.
Khu vực Cồn Bửng có khoảng 1.100 hộ dân sinh sống. Những năm qua, bờ biển khu vực này liên tục xuất hiện những đợt triều cường dâng cao cùng với sóng to, gió lớn, gây sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Trước thực trạng đó. Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư Dự án kè giảm sóng tại bờ biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú với kinh phí khoảng 14,8 tỷ đồng. Dự án kè mềm bằng giải pháp lắp đặt các túi Geotube theo kết cấu: mỏ hàn vuông với đường bờ biển và kè giảm sóng đặt song song cách bờ biển khoảng 100 mét, chiều dài tuyến kè giảm sóng trên 1.100 mét. Các túi Geotube được bơm đầy cát để làm nhiệm vụ ngăn sóng, gây bồi phía trong.