Xin ông cho biết công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Bắc Giang đã được triển khai ra sao trong năm 2024?
Năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xác định là năm tiền đề, bứt phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết để triển khai nhiệm vụ của năm 2024, trong đó trọng tâm là xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ vào Nghị quyết Ban Chấp hành tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các ngành thành viên và từ đó xây dựng kế hoạch, các nội dung triển khai thực hiện.
Sau khi chính thức phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cả hệ thống chính trị, nhân dân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng vào cuộc và xác định đây là một cuộc vận động lớn. Cuộc vận động được hưởng ứng hết sức trách nhiệm bởi mang tính kết nối giữa cấp ủy, chính quyền, nhân dân với những người khó khăn, những người yếu thế.
Đây là chính sách xã hội được nhân dân đồng tình, ủng hộ hưởng ứng. Vì vậy, Bắc Giang đã đạt được những kết quả nổi bật. Tỉnh đạt được mục tiêu và vượt ngoài mong đợi, đã xóa được 1.393 nhà tạm, nhà dột nát của năm 2024. Trong quá trình triển khai cuộc vận động này, các cấp uỷ, chính quyền vào cuộc quyết liệt và có nhiều cách làm sáng tạo. Đó là cách huy động, khuyến khích cả xã hội vào cuộc, gồm có nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, kể cả kiều bào nước ngoài là những người con của Bắc Giang cũng hướng về quê hương, tạo nguồn lực lớn.
Bên cạnh đó, nhiều cách làm như là “chìa khóa trao tay”, góp ngày công lao động của các đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, nông dân... theo hướng người có công thì góp công, có nguyên vật liệu góp nguyên vật liệu, có tiền thì góp tiền… tạo được phong trào mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở.
Qua quá trình thực hiện tại cơ sở, theo ông còn có những khó khăn như thế nào?
Quá trình triển khai thực hiện chương trình này còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Những gia đình, những hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát đủ điều kiện, tỉnh đã thực hiện xong. Song, hiện còn nhiều gia đình vẫn ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, nhưng không đủ điều kiện để hỗ trợ như vướng giấy tờ pháp lý về đất đai.
Do đó, nếu hỗ trợ, vô hình chung công nhận sai phạm liên quan đến vấn đề đất đai đối với những hộ này. Do đó, năm 2025, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tham mưu Ban Thường vụ tỉnh uỷ ban hành công văn để chỉ đạo về vấn đề này. Từ đó, sẽ xây dựng kế hoạch năm 2025 và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban MTTQ Trung ương.
Bắc Giang dự kiến còn khoảng 1.000 nhà cần hỗ trợ. Tỉnh đang khảo sát, kiểm tra, đánh giá đối với các huyện, thành phố và sẽ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cấp huyện, thành phố phải xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ cụ thể từng "nút thắt". Những hộ nào đủ điều kiện phải chỉ đạo để làm sao nguồn gốc đất hợp pháp, trường hợp chưa có trong quy hoạch đất thổ cư phải bổ sung quy hoạch, những hộ nằm trong vùng không thể quy hoạch thành đất thổ cư cần tuyên truyền, vận động di dời đến những vị trí phù hợp hoặc tái định cư.
Đây là bài toán không riêng của Bắc Giang, các tỉnh, thành phố trong cả nước đều phải xác định có giải pháp để tháo gỡ. Với quyết tâm cao nhất, tỉnh Bắc Giang cũng sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương vào năm 2025.
Như ông vừa trao đổi, vấn đề huy động nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Bắc Giang có nhiều hình thức sáng tạo. Vậy, ông có thể cho biết cụ thể về nguồn lực đã được huy động và phương thức kiểm soát nguồn lực đến đúng địa chỉ, thưa ông?
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã huy động được khoảng hơn 90 tỷ đồng để hỗ trợ cho việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đối với việc tiếp nhận nguồn lực, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo 714. Các huyện, thành phố, thị xã đều thành lập Ban chỉ đạo và có tài khoản tiếp nhận nguồn hỗ trợ.
Sau khi tiếp nhận sẽ phân bổ theo từng địa chỉ cụ thể, minh bạch, khách quan. Ngoài ra, để khuyến khích các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ bằng hình thức chìa khóa trao tay, để người dân được thụ hưởng hiệu quả. Đã có những nhà được hỗ trợ xây mới từ 150 - 200 triệu đồng/căn do các nhà hảo tâm đến làm toàn bộ từ nhà, sân vườn, công trình phụ… trao tặng cho người dân.
Cũng có nhiều sở, ban, ngành huy động đóng góp của cán bộ, đảng viên của đơn vị để xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa bằng hình thức trao tay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã vận động cán bộ, đảng viên viên hỗ trợ một ngày lương; huy động từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ khi được tỉnh phát động tạo phong trào sâu rộng...
Xin trân trọng cảm ơn ông!