Lãnh đạo xã Hưng Phú (Hưng Yên) kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại cống Khổng. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Tại xã Hưng Phú - một trong những địa phương ven biển, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đang tích cực, chạy đua triển khai công tác ứng phó với bão số 3 nhằm bảo đảm tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Chủ tịch UBND xã Hưng Phú Bùi Tuấn Anh thông tin, trên địa bàn có 45 tàu thuyền, 115 nhân khẩu lao động trên tàu. Đến chiều 20/7, toàn bộ tàu thuyền và lao động đã về nơi trú ẩn an toàn. Với 143 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có 8 hộ, 14 lao động trên các chòi nuôi ngao, hàu; 135 hộ có đầm vùng ngoài đê và 19 hộ, 60 lao động kinh doanh tại Khu du lịch Cồn Vành, xã đôn đốc, thông báo cho người lao động về nơi trú ẩn an toàn chậm nhất trước 10 giờ ngày 21/7. Nếu hộ dân không chấp hành, chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế theo quy định.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hưng Yên vận động các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực đê biển số 6 (xã Hưng Phú) vào nơi tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Sáng sớm 21/7, ông Trần Văn Khôi, xã Hưng Phú đã có mặt tại khu ao nuôi diện tích 1,7ha, tiếp giáp đê biển số 6, nơi dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Lo lắng khi gần 10 tấn tôm trong ao nuôi công nghiệp chưa đến kỳ thu hoạch, nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi bão đổ bộ, thậm chí mất trắng nếu không có giải pháp bảo vệ hiệu quả nên sau khi nghe thông tin dự báo về cơn bão này, từ chiều 20/7, ông huy động nhân lực, tăng cường sục nước, bổ sung vôi bột và hóa chất xử lý nước. Đồng thời chằng chống nhà trông coi, buộc giằng và đưa hàng chục bao tải cát lên để trên mái nhà nhằm tránh bị tốc mái. Sau khi hoàn thành công việc bảo vệ tài sản phục vụ sản xuất, ông Khôi nhanh chóng trở về nhà ở vùng trong đê để gia cố nhà cửa.
Lực lượng Đoàn Thanh niên xã Hưng Phú, tỉnh Hưng Yên, giúp người dân chằng chống nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Miện, hộ kinh doanh tại Khu du lịch Cồn Vành cho biết, những ngày qua, cán bộ Công an xã tích cực tuyên truyền, thông tin đến các hộ kinh doanh về bão số 3 với cường độ mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển của tỉnh. Ông đã chủ động chằng chống cơ sở kinh doanh và di dời đến nơi an toàn theo yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Hưng Phú.
Tỉnh Hưng Yên có tổng số 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 8 giờ ngày 21/7, tất cả phương tiện đều giữ liên lạc, trong đó trên 1.100 phương tiện, hơn 3.000 lao động đã về neo đậu tại các bến trong tỉnh; 30 phương tiện, 206 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.
Toàn tỉnh có 980 chòi canh ngao; 945 chòi đầm ngoài đê; 2.190 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản khu vực cửa sông với tổng số gần 2.300 lao động. Tính đến 8 giờ ngày 21/7, có gần 1.400 lao động tại các chòi canh và lao động trên lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.
Người dân xã Hưng Phú, tỉnh Hưng Yên, chủ động chằng chống nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Theo Công điện số 272/CĐ-UBND, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu, các địa phương khẩn trương di dời hộ nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển; các hộ dân sinh sống ở khu vực nhà tầng xuống cấp, nhà yếu, nhà tạm, khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn. Đồng thời có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 21/7.
Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên Thiệu Minh Quỳnh cho biết, để chủ động ứng phó với bão, Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn thanh niên 104 xã, phường trên địa bàn ra quân hỗ trợ người dân ở khu vực nhà tạm, nhà yếu, khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, nhất là hộ cao tuổi, người khó khăn trên địa bàn... bảo đảm không để bất cứ hộ dân nào còn ở nơi nguy hiểm khi bão đổ bộ.