Trung ương Hội cập nhật diễn biến của bão, các chỉ đạo của Trung ương đến lãnh đạo Trung ương Hội, thành viên đội ứng phó thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (NDRT) và đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh (PDRT); kích hoạt các thành viên đội ứng phó thảm họa Trung ương Hội tại các tỉnh, phân công thành viên trực và cập nhật thông tin, sẵn sàng tham mưu; rà soát nguồn tiền và hàng dự trữ, phương tiện vận chuyển của Trung ương Hội và các tỉnh Hội chuẩn bị sẵn sàng cho công tác ứng phó.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện có một đội ứng phó thảm họa cấp Trung ương, 37 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 671 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng với 14.000 thành viên. Hàng hóa dự trữ tại Trung ương Hội gồm 4.900 thùng hàng gia đình; hơn 2.000 bộ dụng cụ sửa nhà; hơn 1.600 tấm bạt, máy lọc nước, bột lọc nước, bình lọc nước, nhà bạt…
Để chủ động ứng phó với diễn biến nguy hiểm của cơn bão số 4 (Noru), ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành Hội, các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội tập trung chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ như: Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, hoàn lưu bão, mưa lũ sau bão và kịp thời thông tin đến các cấp Hội địa phương để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Riêng với các tỉnh, thành phố trong mức rủi ro thiên tai cấp 4 và rủi ro thiên tai cấp 3 phải tập trung toàn lực, quyết liệt cho công tác phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với bão.
Các tỉnh, thành Hội tạm đình hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác ứng phó với bão; tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra; truyền thông phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh với tinh thần giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Ông Nguyễn Hải Anh đề nghị các tỉnh, thành Hội duy trì trực ứng phó bão 24/24 giờ, cử cán bộ đầu mối cập nhật báo cáo với Trung ương Hội về các hoạt động phòng ngừa ứng phó của địa phương; kích hoạt các đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh và đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng; huy động trang thiết bị, lực lượng sẵn sàng tham gia phối hợp với các cấp và chính quyền địa phương di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hỗ trợ nhân dân trước, trong và sau bão, đặc biệt giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, thu hoạch lúa, hoa màu…
Các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội cập nhật tình hình tổ chức phòng, chống, ứng phó với thiên tai của các ban, đơn vị của Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội để báo cáo kịp thời lên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo quy định, cũng như chia sẻ thông tin cho Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và đối tác quốc tế; chuẩn bị phương án triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt là nước sạch vệ sinh cũng như đánh giá thiệt hại, nhu cầu và triển khai các hoạt động trong cộng đồng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, rà soát lại thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, lều bạt và các thiết bị khác… để sẵn sàng cùng các địa phương triển khai các hoạt động cứu trợ khi có yêu cầu.