Tại Lễ mừng Phật Đản, Phật sử đã được nhắc lại cách đây 2664 năm, tại vườn Lâm Tỳ Ni xứ Ấn Độ vào một buổi sáng đẹp trời, chim ca rộn rã, hoa nở muôn nơi, hương sen thơm ngát, trong vườn ngự uyển, hoàng hậu Maya đang từng bước nhàn du thưởng hoa, khi đến cội Vô Ưu thì Đản sinh thái tử. Vị Thái tử đó chính là Tất Đạt Đa, người mà sau này, khi tròn 29 tuổi xuân đã làm nên một sự kiện trọng đại trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ đương thời: từ bỏ cung vàng điện ngọc, quyền cao chức trọng để ra đi tìm chân lý, và sau đó trở thành Bậc Đạo sư vĩ đại tìm ra con đường giác ngộ Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Đại lễ Phật Đản năm nay diễn ra trong không khí cả nước chào mừng 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động 1/5, đặc biệt Lễ Phật Đản năm nay diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt khi cả nhân loại đang đối mặt vở nạn dịch COVID-19, ở nhiều nước số người tử vong ở mức rất cao và lây lan rất nhanh. Chính vì vậy chủ đề “Tình thương” trong triết lý nhà Phật có ý nghĩa rất lớn trong hoàn cảnh hiện nay, và đó cũng là điều được nhắc đến một cách rõ nét và sâu sắc trong các nghi thức mừng Phật Đản của Học viện Phật Giáo. Tại Lễ Phật Đản, toàn thể Tăng ni, Phật tử đã cùng nhất tâm cầu nguyện Phật lực, Pháp lực, Tăng lực từ bi gia hộ cho người dân Việt nói riêng và toàn thế giới nói chung chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống được an lạc, hạnh phúc, vượt qua mọi khó khăn. Bên cạnh đó, các Nghi lễ dâng nước, hoa hương cúng dàng, Nghi thức tắm Phật, Nhiễu đàn… cũng được thực hiện trang nghiêm, thanh tịnh.