Ngày Quốc tế Xóa nghèo 17/10:

Hỗ trợ, xây dựng tương lai bền vững cho ngư dân

Ngày Quốc tế Xóa nghèo 17/10 hằng năm là dịp để thế giới nhìn lại những nỗ lực trong công cuộc giảm nghèo, cải thiện đời sống cho các cộng đồng khó khăn. Tại Việt Nam, ngư dân nghèo là một trong những nhóm đối tượng cần được quan tâm đặc biệt, bởi họ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, rủi ro lớn từ điều kiện lao động trên biển.

Chú thích ảnh
Ngày 29/7/2024, tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức trao quà, hỗ trợ sinh kế và các hoạt động an sinh xã hội hướng về ngư dân trong chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” cho các hộ ngư dân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: TTXVN phát

Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, là một trong những nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ ngư dân trong công cuộc xóa nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Giúp ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám biển 

Ông Thông Văn Tuấn tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là là ngư dân nghèo, không có điều kiện xây nhà mới, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Bình Phước và Bình Thuận đã kêu gọi cán bộ, hội viên tại các huyện, thị xã, thành phố, các trường học trên địa bàn ủng hộ để xây dựng nhà ở cho gia đình ông. Cuối tháng 8/2024, lễ bàn giao nhà mới cho gia đình ông Tuấn đã diễn ra, căn nhà có tổng diện tích 72 m2, trị giá 160 triệu đồng, trong đó 73 triệu đồng được huy động từ sự đóng góp của các cấp hội. Đây không chỉ là mái ấm mới cho gia đình ông Tuấn, còn là nguồn động viên lớn lao, giúp gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm lao động trên biển.

Tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau tổ chức trao tặng nhà, hỗ trợ sinh kế và tặng áo phao, cờ Tổ quốc cho ngư dân khó khăn. Gia đình bà Huỳnh Thị Thúy đã được nhận hỗ trợ nhà chữ thập đỏ trị giá 50 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Mía nhận được 10 triệu đồng hỗ trợ sinh kế. Bên cạnh đó, 20 ngư dân nghèo của xã Khánh Tiến cũng được tặng áo phao và cờ Tổ quốc, giúp họ có thêm trang bị an toàn khi ra khơi. Tổng giá trị hỗ trợ tại xã Khánh Tiến là 65 triệu đồng, mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc giúp đỡ ngư dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động.

Đây là những ví dụ điển hình cho kết quả chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Triển khai từ năm 2022 đến 2027, chương trình được thực hiện tại 291 xã nghèo thuộc 23 tỉnh, thành giáp biển, theo Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/1/2017. Đây là các địa phương có số lượng ngư dân lớn nhưng gặp nhiều khó khăn về đời sống, sinh kế và an toàn lao động. Mục tiêu của chương trình là giúp ngư dân cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường an toàn khi lao động trên biển, đồng thời khuyến khích họ tiếp tục bám biển, khai thác hợp pháp các nguồn lợi thủy sản, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Bước sang năm 2024, chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có 3.595 ngư dân được truyền thông về pháp luật, sơ cấp cứu (đạt 65,3% chỉ tiêu); 3.474 hộ ngư dân được hỗ trợ phát triển sinh kế; 28 ngôi nhà được sửa chữa, xây dựng. Đặc biệt, chương trình đã trang bị 3.920 áo phao cứu sinh (đạt 196%); trao tặng 6.221 túi sơ cấp cứu cùng cờ Tổ quốc cho các tàu, thuyền đánh cá (đạt 248% chỉ tiêu)... Qua đó khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Hội Chữ thập đỏ trong công tác hỗ trợ ngư dân nghèo.

Ngoài hỗ trợ về vật chất, các đơn vị Hội Chữ thập đỏ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 3.896 lượt tuyên truyền cho 23.714 chủ phương tiện, thuyền trưởng, 119.880 ngư dân, thông qua các kênh như tin nhắn, mạng Zalo và hệ thống loa phát thanh. Các đơn vị cũng vận động 4.025 chủ phương tiện, thuyền trưởng, 1.824 ngư dân ký cam kết không khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, góp phần chống lại nạn khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Ngoài ra, 500 áo phao và các loại phao cứu sinh, 11.055 lá cờ Tổ quốc, 260 ảnh Bác Hồ, 11.997 tờ rơi về an toàn biển được trao tặng cho ngư dân. Các lực lượng Biên phòng đã tích cực tham gia hỗ trợ ngư dân với nhiều hoạt động thiết thực như tặng quà trị giá gần 20 tỷ đồng, đỡ đầu cho gần 3.000 trẻ em ngư dân, và xây dựng 37 nhà đoàn kết...

Hướng đến tương lai bền vững

Thời gian tới, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quy mô chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn", để không ngư dân nào phải đối mặt với rủi ro trên biển mà không được trang bị đầy đủ những phương tiện bảo hộ cần thiết. Chương trình không chỉ tập trung vào việc cải thiện điều kiện sống, làm việc của ngư dân, còn đặt ra các mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững.

Các hoạt động hỗ trợ sinh kế sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để giúp các hộ ngư dân nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế, dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn lao động trên biển sẽ tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh nhằm giúp ngư dân hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc.

Hội Chữ thập đỏ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, lực lượng Biên phòng trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, các hoạt động vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước cũng được triển khai mạnh mẽ hơn, huy động thêm sự ủng hộ, tài trợ cho chương trình, giúp tăng cường số lượng trang thiết bị cứu hộ, cờ Tổ quốc và các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân.

Ông Vũ Thanh Lưu, Trưởng Ban điều hành Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" nêu rõ: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt ra mục tiêu xa hơn không chỉ xóa đói giảm nghèo cho ngư dân, còn hướng tới việc xây dựng các cộng đồng ven biển mạnh mẽ, có khả năng tự thích ứng, ứng phó với các biến đổi của thời tiết, khí hậu. Các chương trình lồng ghép bảo vệ môi trường biển, phát triển hạ tầng xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân ven biển cũng sẽ được triển khai đồng bộ, tạo ra sự phát triển toàn diện, bền vững.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng sự đồng hành của cộng đồng, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục tạo ra những thành tựu mới, góp phần cải thiện đời sống cho hàng nghìn ngư dân nghèo trên khắp cả nước. Mỗi câu chuyện, mỗi gia đình ngư dân được hỗ trợ là một minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của chương trình trong hành trình xóa nghèo, bảo vệ ngư dân và xây dựng tương lai bền vững cho biển, đảo Việt Nam. Sự thành công của chương trình sẽ là bước đệm vững chắc, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Hội Chữ thập đỏ trong công tác nhân đạo, cứu trợ và hỗ trợ phát triển của nước ta.

HQ (TTXVN)
Tư vấn an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân, ngư dân
Tư vấn an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân, ngư dân

Ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN