Hỗ trợ học sinh nghèo đi thi đại học

Trong khi các sinh viên tình nguyện tổ chức những chuyến xe ô tô miễn phí đưa đón đi thi thì nhiều gia đình ở Hà Nội san sẻ không gian sinh hoạt của gia đình để đón các thí sinh nhà nghèo và gia đình chính sách lên Hà Nội lên Thủ đô thi đại học. Nhờ vậy, gia đình và sĩ tử bớt nhiều lo lắng.

Nhà chật vẫn nhường thí sinh

Căn nhà của cô Mến (C9 - khu tập thể Nam Đồng - quận Đống Đa - Hà Nội) nằm cuối đường vào chợ Nam Đồng. Nhà có hai vợ chồng, một cậu con trai 8 tuổi và thêm 2 cô cháu ở quê ra học đại học đang ở nhờ. Mọi sinh hoạt của gia đình 5 thành viên ấy gói gọn trong căn nhà 3 tầng nhưng diện tích mỗi tầng đều khá khiêm tốn. Gian tầng 1 chỉ rộng 9 m2, tầng 2 và tầng 3 mỗi tầng rộng 13 m2. “Mang tiếng” nhà cao tầng nhưng chẳng có tầng nào có phòng riêng. Tầng 2 được đặt 1 tấm nệm để nằm, kê một chiếc bàn, một giá sách là nơi học hành của hai cô cháu.

Nhà nhỏ nhưng cô Mến sẵn lòng ở chật chội một chút để giúp sĩ tử nghèo có chỗ ở trong dịp thi.


Như đoán được vẻ ái ngại của chúng tôi trước không gian sinh hoạt chật chội của gia đình, cô Mến giải thích: “Mới đầu trông thì chật nhưng ở mãi rồi cũng quen hết. Tầng 1 chỉ có 9 m2 là nơi nấu nướng, tắm giặt kiêm chỗ ăn cơm của cả nhà. Vợ chồng và con trai ở tầng 3. Tầng 2 đang có 2 đứa cháu học đại học ở nhờ nhưng 1 đứa đang đi tập quân sự ở Vĩnh Phúc 1 tháng nữa mới về. Chồng tôi làm công nhân xây dựng. Cứ khoảng 7 giờ tối là phải đi công trường, nên hầu như không mấy khi ngủ nhà. Khi nào các em thí sinh đến thi, chúng tôi sẽ nhường hẳn tầng 2 cho các em ở”.

Năm nay, cô Mến đăng ký với Thành đoàn Hà Nội, dành 3 chỗ miễn phí cho thí sinh. Năm ngoái, cô Mến cũng cho 3 thí sinh đi thi Đại học Y Hà Nội ở trọ. “Tội nghiệp hai đứa lắm. Nhà mãi tận Thanh Hóa, lo đến ngày thi mới ra thì không có nhà, mới giữa tháng 6 đã dắt nhau ra đây để tìm chỗ trọ. Hôm đó, khi chúng gặp tôi, hỏi có phòng cho thí sinh thi đại học ở thuê không, tôi trông mặt hai đứa nó bơ phờ vì cả ngày lang thang tìm nhà. Tôi ngần ngừ một lúc rồi đồng ý. Cũng nhường cho cả cái tầng 2 cho chúng ở”, cô Mến nhớ lại. Sau đó, cô còn nhận thêm một thí sinh nữa, cho về ở ghép với hai học sinh quê Thanh Hóa kia. “Cả đợt thi năm đó, cho 3 đứa ở miễn phí, ăn uống thì cùng với gia đình tôi”.

Cũng với tình cảm chia sẻ khó khăn cho các thí sinh nhà nghèo từ các tỉnh ra Hà Nội thi, bác Phí Trung Thiện (nhà số 24, ngách 59, ngõ 104 phố Nguyễn An Ninh, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cũng sẵn sàng nhường chỗ ở của mình cho 3 bạn thí sinh. Vợ làm giáo viên, chồng ở nhà bán quán nước đầu ngõ, nhà cũng không rộng rãi là bao nhưng ông Thiện vẫn rất sẵn lòng giúp đỡ các thí sinh. Chúng tôi gặp ông Thiện đúng lúc hai người dáng vẻ thôn quê ở Hải Phòng đang chào ông Thiện để ra bến xe. Hỏi ra mới biết, họ lên tìm trước chỗ ở trước cho con, sợ nhỡ đến lúc lên thì không có chỗ. Gặp bác Thiện, hai người mừng như bắt được vàng. Sau khi về xem nhà cửa của ông Thiện, đã dặn đi dặn lại “nhớ để chỗ cho các cháu nhà tôi đấy!”. Gần ra bến xe rồi, thấy có vẻ chưa yên tâm lắm, hai người này quay lại “Hay là chúng tôi cứ đặt cọc tiền cho bác nhé!” - họ khẩn khoản nói với ông Thiện. Nhưng ông Thiện một mực không nhận.

Trong thời buổi nhiều nhà coi đợt thi đại học, cao đẳng là dịp béo bở để cho thí sinh thuê phòng theo ngày với giá cắt cổ thì lại có nhiều người nhân hậu sẵn sàng “nhường nhà”, mặc dù chỗ ở không thừa thãi gì. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thiện nói: “Nhìn dáng họ tất bật, chân đi dép tổ ong, nói chuyện thì chân chất, đúng vẻ quê mùa và nghèo thật. Tự nhiên cũng muốn giúp đỡ họ”.

Với cô Mến, cũng với lý do trên: “Tôi quê gốc ở Thái Bình lên Hà Nội kiếm việc từ năm 1996. Nhà nghèo ở quê lên thành phố nên tôi hiểu người quê khi lên thành phố nếu không có người thân quen thì vất vả lắm. Nhà tôi chật thế chứ nếu rộng hơn, tôi có thể cho nhiều thí sinh ở nhờ nữa”.

Cùng với cô Mến, bác Thiện, ở Hà Nội, số gia đình có lòng hảo tâm cho sĩ tử ăn nghỉ miễn phí đang “dày lên” trong danh sách của các đội săn tìm nhà trọ.

Đưa đón miễn phí, lo chỗ học giá rẻ

Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội với chương trình “Em tôi đi thi” cũng có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cho thí sinh và người nhà đi thi.

Theo bạn Nguyễn Văn Hà, sinh viên mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Giao thông, một trong những người sáng lập ra Hội, hiện nay, chương trình “Em tôi đi thi” đã bước sang năm thứ hai. Cùng với Hà, mùa thi năm nay, có 400 tình nguyện viên làm chương trình này. Hội đặt ra mục tiêu sẽ hỗ trợ cho 500 thí sinh nhà nghèo và con thương binh, nhà có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng em có chương trình “Nhường phòng cho em tôi đi thi” phấn đấu mỗi tình nguyện viên giúp đỡ cho 1 thí sinh kèm người nhà. Hiện nay, danh sách chỗ trọ miễn phí cho thí sinh lên tới con số 500 chỗ. Trong đó, tính cả số chỗ trọ do các tình nguyện viên nhường, và các chỗ trọ trong khu dân cư do đội săn nhà trọ tìm được.

Để giúp đỡ được những thí sinh hoàn cảnh khó khăn, từ đầu năm, Hội đã phối hợp với các huyện đoàn của Bắc Giang, thống kê danh sách các sĩ tử trong diện này. Danh sách được tổng hợp và gửi về tỉnh đoàn và Hội ở Hà Nội. Ngày 2/7, sẽ có 10 chuyến xe ô tô đưa đón miễn phí cả thí sinh và người nhà lên Hà Nội do Hội và Tỉnh đoàn tổ chức cùng xuất phát. “Trên mỗi chuyến xe, sẽ có 2 tình nguyện viên hướng dẫn và giải đáp những thông tin cần thiết nếu sĩ tử và người thân quan tâm”, Hà nói. Tới nơi, các em sẽ được các tình nguyện viên của Hội dẫn về các điểm trọ miễn phí gần điểm thi. Trong suốt những ngày thi, các em học sinh sẽ được tình nguyện viên đưa đón chu đáo.

Bên cạnh chương trình “đặc biệt” hỗ trợ thí sinh, từ đầu tháng 6 đến nay, Hội sinh viên tình nguyện lưu động miền Bắc và Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội đã và đang triển khai chương trình “Đồng hành cùng em tôi đi thi” sắp xếp chỗ nghỉ trọ giá rẻ trong ký túc xá và ôn thi trong đại học Sư phạm Hà Nội. Phí nghỉ trọ trong ký túc là 250.000 đồng/người/ngày và lệ phí ôn thi mỗi môn là 20.000 đồng/buổi. Trong khi ở ngay bên ngoài khuôn viên ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều nhà trọ ghi giá gần 2.000.000 đồng/3 ngày thi và phí ôn thi có trung tâm ghi tới 40.000 đồng/buổi.

Để thông tin về chương trình đến với rộng rãi người dân, các sinh viên tình nguyện đã gửi chi tiết nội dung về các huyện đoàn tất cả các trường THPT ở 10 huyện, thành phố Bắc Giang. “Nhiều xã còn phát thông tin này trên loa phát thanh xã cho bà con nghe để có thể liên hệ nhờ giúp đỡ trước khi đưa con, cháu đi thi”, Hà cho biết.

Các doanh nghiệp cũng tham gia tiếp sức tuy không trực tiếp hỗ trợ cho từng thí sinh, nhưng thông qua việc hỗ trợ cho đội sinh viên tình nguyện đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với cộng đồng. Theo Thành đoàn Hà Nội, chiến dịch tiếp sức mùa thi nhận được sự tài trợ của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank); Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; Nhãn hiệu trà Cozy của Công ty Cổ phần sản phẩm Sinh thái. Tin từ Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Ngãi, Hội đã huy động được hơn 250 triệu đồng hỗ trợ cho các thí sinh nghèo đi thi. Hội cũng hỗ trợ phương tiện đi lại cho thí sinh thi tại Bình Định, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN