Chờ đợi các chương trình kết nối
Tôi gặp anh Vũ Minh Ngọc (khởi nghiệp với giấm truyền thống thương hiệu cô Tâm tại làng Bách Cốc, xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định) tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022. Không có gian hàng quảng bá sản phẩm tại diễn đàn nên Minh Ngọc đã đeo cả ba lô sản phẩm giấm truyền thống của gia đình đến giới thiệu tại diễn đàn.
Anh Ngọc cho biết: “Tham gia vào tổ chức Đoàn, tôi được gặp những người cùng chí hướng. Đến với những chương trình của Đoàn tổ chức, tôi được học hỏi kinh nghiệm cũng như kết nối với các doanh nghiệp để phát triển sản phẩm".
Phân tích về những khó khăn khi khởi nghiệp đối với thanh niên, chị Nguyễn Thị Hương Thanh (27 tuổi, khởi nghiệp với thương hiệu mật chuối Tabai) cho biết: “Có thể thấy những khó khăn chính của người trẻ khởi nghiệp hiện nay đó là thiếu vốn và đổi mới công nghệ. Thiếu kiến thức kinh doanh quản trị, thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, thiếu đường hướng kinh doanh. Do đó, dẫn đến mất nhiều thời gian mà vẫn phát triển chậm và không rõ rệt. Bên cạnh đó, định hướng về xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân của người trẻ còn chưa rõ ràng".
Chị Thanh mong trong tương lai gần, Trung ương Đoàn có nhiều hoạt động, chương trình, cũng như các cuộc thi về khởi nghiệp… để thanh niên khởi nghiệp có thể đóng góp một phần sức lực, trí tuệ cho cộng đồng và xa hơn nữa là cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hỗ trợ thiết thực về vốn
Chị Nguyễn Thị Phương Châm (30 tuổi, khởi nghiệp với dự án dầu gội thảo dược Chavigreen) khởi nghiệp được hơn 1 năm. Những khó khăn ban đầu là thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Phương Châm thì những khó khăn này có thể khắc phục được bằng việc tự học; song khó khăn lớn nhất vẫn là cần vốn.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp với tổng nguồn vốn vay ủy thác trên 3.500 tỷ đồng cho hơn 47.000 hộ đoàn viên, thanh niên được vay vốn.
Chị Châm cho biết: “Khi bắt đầu khởi nghiệp cần trang bị rất nhiều máy móc, thiết bị để theo một quy trình sản xuất đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Trong khi đó nguồn vốn qua các chương trình cho vay rất hạn chế so với nhu cầu. Muốn vay vốn lớn cần tài sản thế chấp và thủ tục giải ngân phức tạp...”.
Vì thế, mong muốn của chị Châm chính là Trung ương Đoàn sẽ đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp. Cụ thể là hỗ trợ vay vốn và tổ chức thêm nhiều khóa học bổ sung kinh nghiệm thực tế để thanh niên được tiếp cận kiến thức.
Đồng quan điểm này, chị Phạm Trần Trúc Mai, Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho rằng khó khăn của thanh niên là khó tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp. Hiện nay, qua kênh của Đoàn, có thể vay vốn qua Ngân hàng chính sách nhưng chỉ được vay tối đa 100 triệu đồng sẽ khó vận hành mô hình.
Vì vậy chị Mai mong muốn Đoàn cần nghiên cứu để có quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên với mức vốn vay nhiều hơn.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn cho biết, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh thành công còn những hạn chế như: Một số dự án, ý tưởng thanh niên khởi nghiệp không đủ điều kiện về tài sản thế chấp khi thực hiện cho vay theo đề án, vì phần lớn thanh niên là người trẻ sống cùng bố mẹ, không phải là chủ hộ, cũng không có tài sản thế chấp.
Chị Vân cho biết: "Tài sản thế chấp được định giá thấp hơn so với ngân hàng thương mại cổ phần khác, nên một số dự án khi làm thủ tục vay vốn hỗ trợ gặp nhiều khó khăn với tổng mức được vay; thanh niên khi tiếp cận các vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính, quy trình vay vốn còn tốn kém nhiều thời gian…".
PGS. TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng hiện chỉ số khởi nghiệp trong thanh niên Việt Nam rất ấn tượng. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2017, cứ 100 người trưởng thành thì có 23 người đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh. Việt Nam cũng có nhiều chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn chồng chéo, phức tạp và trở thành rào cản cho thanh niên khởi nghiệp.
Để gỡ những khó khăn này, trong giai đoạn phát động mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2022, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp với tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Đoàn trên 3.500 tỷ đồng với hơn 47.000 hộ đoàn viên, thanh niên tham gia.
Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách, Trung ương Đoàn đã phối hợp để vận hành nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm qua kênh Trung ương Đoàn (vốn 120) với tổng nguồn vốn là 75 tỷ đồng và đã giải ngân cho 923 dự án, giải quyết việc làm cho 2.369 thanh niên.
Theo kết quả khảo sát, nhờ sự hỗ trợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp cho thanh niên đã mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân và đất nước.
Bài cuối: Tạo dựng cộng đồng khởi nghiệp ở địa phương