Với thanh niên khởi nghiệp, khát khao của họ về sản xuất, kinh doanh, đem lại giá trị cho quê hương… đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả, ý nghĩa của tổ chức Đoàn.
Câu chuyện về chàng kỹ sư và… trái xoài rụng
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh, rồi “đầu quân” cho công ty về phần mềm, nhưng dịch COVID-19 đã khiến anh Đặng Thế Truyền (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) rẽ sang một hướng khác.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, anh Truyền tâm sự: “Dịch COVID-19 khiến những trái xoài Cam Lâm quê tôi không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Cam Lâm có nông sản chính là xoài với khoảng 6.000 ha. Tình trạng “được mùa mất giá" diễn ra khá phổ biến khi người dân quá phụ thuộc vào thị trường. Nhìn những quả xoài chín rụng đầy gốc, tôi thấy xót xa, lúc đó tôi luôn trăn trở là làm thế nào để giải quyết tình trạng lãng phí này".
Chị gái anh Truyền làm xoài sấy nhưng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và chưa tạo được thương hiệu riêng. Anh Truyền nảy ra ý định tìm cách tiêu thụ những quả xoài chín bằng cách làm xoài sấy muối ớt hướng tới thị trường trong nước cũng như tạo thương hiệu để xuất khẩu.
Nói là làm, với thế mạnh về công nghệ thông tin, anh Truyền trở về Cam Lâm, cùng bạn bè xây dựng cộng đồng online để kết nối các địa điểm, gian hàng. Nhóm của anh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xoài sấy muối ớt như: Hình ảnh, khai thác về văn hoá, ẩm thực và đời sống thường nhật của địa phương để đăng tải trên website CamLamonline.com.
Anh Truyền cho biết: “Làm một mình thì khó nhưng nhờ tham gia vào tổ chức Đoàn, sản phẩm xoài Cam Lâm đã đến được với những hội thảo, hội nghị về công tác Đoàn. Từ đó, nhiều người đã biết đến sản phẩm xoài Cam Lâm”.
Giai đoạn 2018 - 2022, các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên toàn quốc đã triển khai xây dựng hơn 4.200 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên, hỗ trợ kinh phí cho các mô hình có tính khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tỉnh, thành đoàn kết hợp việc xây dựng mô hình gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương và các chương trình khác, như: Vay vốn giải quyết việc làm, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư...
Được đi, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, anh Truyền có khát vọng đưa sản phẩm xoài sấy muối ớt tham gia vào hệ sinh thái du lịch. Anh Truyền cho biết: “Nếu du lịch phát triển tốt, các sản phẩm nông sản đặc trưng được tiêu thụ nhanh. Nhóm các bạn trẻ chúng tôi đã tận dụng xu hướng quảng bá, bán hàng qua kênh thương mại điện tử đang phát triển tại Việt Nam để trái xoài và các sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ được mở hướng tiêu thụ”.
Thời gian tới, CamLamOnline sẽ hoàn thành việc đăng ký sản phẩm "Xoài sấy muối ớt" là sản phẩm OCOP của địa phương Khánh Hòa; đồng thời phát triển sản phẩm này tại nhiều thị trường trong nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… từ đó mở hướng xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có hơn 200 mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, sinh viên tương tự như nhóm bạn trẻ CamLamOnline.
Nhiều mô hình đã tạo tiếng vang cho phong trào thanh niên tự thân lập nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống. Có thể kể đến những mô hình nổi bật như: “Mô hình vườn ươm khởi nghiệp và Hệ sinh thái khởi nghiệp” cho thanh niên Khánh Hoà; Mô hình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bán hàng lưu động “Food Truck”.
Tích cực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, Tỉnh đoàn Khánh Hoà và đoàn thanh niên các cấp cơ sở còn chú trọng nhiều đến hỗ trợ vốn vay cho thanh niên với dư nợ là trên 229 tỷ đồng. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ 14 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Bệ đỡ từ tổ chức Đoàn
Anh Nguyễn Vũ Linh, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang) khởi nghiệp thành công với các sản phẩm lưu niệm từ gỗ. Được Tỉnh đoàn An Giang hỗ trợ vốn, anh Linh đầu tư máy móc, thiết bị, từ chỗ chỉ bán vài sản phẩm lúc khởi nghiệp, đến nay anh Linh đã lập xưởng bán hàng với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Các sản phẩm lưu niệm từ gỗ của anh Linh hiện mặt ở rất nhiều sự kiện tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, anh Linh cho biết: “Khởi nghiệp rất cần sự đồng hành của tổ chức Đoàn cũng như trung tâm khởi nghiệp của tỉnh. Từ nguồn vốn ban đầu không đủ duy trì sản xuất nhưng khi được vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn lâu dài thì tôi đã có cơ hội phát triển”.
Mong muốn lớn nhất của anh Linh hiện nay là có doanh thu ổn định, tạo việc làm cho thanh niên địa phương. Anh Linh mong muốn tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động hơn nữa để kết nối những đơn vị nhỏ như anh có cơ hội tiếp tục phát triển rộng rãi.
Các cấp bộ Đoàn toàn quốc đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của 2.758 hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, với giá trị 140.796 triệu đồng.
Vừa qua, UBND An Giang ban hành kế hoạch hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 nhằm nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh. Trong đó, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hỗ trợ ít nhất 350 thanh niên khởi nghiệp và 25 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập 4 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; đào tạo kỹ năng số cơ bản cho trên 90% thanh niên, trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên làm chủ sử dụng nền tảng số…
Anh Truyền, anh Linh là hai trong hàng nghìn đoàn viên thanh niên khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương. Họ đang từng bước kết nối với tổ chức Đoàn để có những chia sẻ tốt hơn. Và đây chính là “đất” để phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, phong trào thanh niên khởi nghiệp.
Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018 - 2022, việc thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở Đoàn, hội, các câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các tỉnh, thành phố được chú trọng đầu tư, triển khai.
Việc triển khai các hoạt động, các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật mới thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa luôn được Đoàn thanh niên các cấp hướng đến và ưu tiên. Đã có hơn 2.000 mô hình được hỗ trợ triển khai với các lĩnh vực chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên dân tộc thiểu số được tổ chức.
Các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên (tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi) gia tăng về cả quy mô và số lượng, với số vốn đầu tư và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày một tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên rõ rệt.
Các mô hình Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế được phát huy. Hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền được chú trọng triển khai.
Mô hình thanh niên liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn sản phẩm được triển khai hiệu quả. Đi cùng với đó là các cấp bộ Đoàn tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp tục duy trì, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác “Thanh niên làm kinh tế”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”. Hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất được chú trọng triển khai. Việc liên kết, xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của thanh niên tiếp tục phát triển tích cực.
Bài 2: Những mong mỏi gửi tới tổ chức Đoàn