Hồ chứa thủy điện Thác Bà liên tục bị xâm lấn

Hồ Thác Bà là hồ nhân tạo lớn, được hình thành từ việc chặn dòng sông Chảy thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình của tỉnh Yên Bái phục vụ thủy điện Thác Bà, công trình thủy điện đầu tiên ở miền Bắc.

Vùng hồ rộng 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.000 ha, mực nước dao động từ 46 - 58 m, chứa được 3 - 3,9 tỉ mét khối nước. Hồ Thác Bà còn có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

Ngoài công năng phát điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, hồ chứa thủy điện Thác Bà còn thực hiện điều tiết lũ, cung cấp nước và chống hạn cho vùng hạ du, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa

Hồ chứa thủy điện Thác Bà hiện được quản lý, bảo vệ, khai thác theo Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 4/4/2011 về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 26/5/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà. Theo đó, các hoạt động đắp đập ngăn, đổ đất xuống lòng hồ, đều vi phạm các quy định của nhà nước hiện hành.

Chú thích ảnh
Máy xúc và xe tải tại khu vực Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái đang triển khai dự án liên tục san gạt, đổ đất xuống lòng hồ Thác Bà. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Việc quản lý, bảo vệ hồ Thác Bà đã được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, lòng hồ Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình bị xâm phạm nghiêm trọng bởi một số doanh nghiệp khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng đã tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ Thác Bà và vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa – hồ thủy điện Thác Bà.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà cho biết, hai doanh nghiệp có hành vi đổ đất, san gạt lấn chiếm lòng hồ Thác Bà trong thời gian dài là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đá trắng Bảo Lai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái.

Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: Đã rất nhiều lần, công ty phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản đối với hai công ty này. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn đợi sự chỉ đạo từ phía chính quyền, đặc biệt là phía tỉnh. Doanh nghiệp chỉ biết gửi công văn kiến nghị kèm biên bản vụ việc để báo cáo lên tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Yên Bình.

Theo tài liệu Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà cung cấp, tháng 7/2015, UBND tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng Bảo Lai (địa chỉ thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, Lục Yên) thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng trên địa bàn thôn Đào Kiều, xã Hưng Thịnh, huyện Yên Bình.

Trước khi triển khai dự án, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng Bảo Lai đã cam kết không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, dung tích của hồ Thác Bà. Tuy vậy, trong quá trình san lấp mặt bằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng Bảo Lai liên tục san lấp, đổ đất lấn chiếm lớn đến diện tích lòng hồ. Trước sự việc này, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà với vai trò là đơn vị quản lý vận hành hồ chứa Thác Bà đã rất nhiều lần kiến nghị tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng đá trắng Bảo Lai chấm dứt việc san lấp, đổ đất xuống lòng hồ.

Chú thích ảnh
Việc đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ Thác Bà làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ chứa thủy điện. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Các đơn vị chức năng tỉnh Yên Bái đã thanh tra, chấn chỉnh những sai phạm của Công ty. Song đến nay, chỉ cần quan sát qua tại hiện trường cũng có thể nhận thấy diện tích hồ đã biến dạng. Qua đo vẽ, tính toán và đối chiếu với hồ sơ hoàn công cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa Thác Bà, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã xác định chính xác được phần diện tích Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng Bảo Lai san lấp dưới cao độ 59,65m là 4,71 ha, diện tích nước không lưu thoát với hồ là 2,38 ha, tổng diện tích ảnh hưởng nằm trong hành lang bảo vệ hồ chứa là 6,55 ha. Tới thời điểm hiện tại, theo tính toán, tổng diện tích hồ Thác Bà bị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng Bảo Lai san lấp khoảng 10 ha.

Ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên  đá trắng Bảo Lai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái cũng là doanh nghiệp liên tục có hành vi vi phạm an toàn lòng hồ thủy điện Thác Bà.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư, ngày 2/10/2017 của UBND tỉnh Yên Bái, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái được chấp thuận triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dán, công suất 15.000 m3/năm, tại thôn Ðình Lâm, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình với vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 7 ha. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Quá trình triển khai dự án, Công ty đã được UBND huyện Yên Bình cấp giấy phép xây dựng ngày 15/8/2018. Theo giấy phép này, Công ty được phép xây dựng các công trình thuộc dự án như: san nền, nhà điều hành, nhà xưởng, nhà ở công nhân… Tuy nhiên, trước khi được cấp giấy phép xây dựng, Công ty đã tự thi công hạng mục san nền và bị xử lý vi phạm hành chính.

Chú thích ảnh
Những khối đất, đá khủng được Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái san gạt, đổ trực tiếp xuống hồ Thác Bà khiến nước hồ đục ngầu, sủi đầy bọt bẩn. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Sau khi được cấp, Công ty không tuân thủ theo quy định của giấy phép xây dựng do UBND huyện Yên Bình cấp. Cụ thể, theo giấy phép, khối lượng đất đào khi san nền khoảng 158.000 m3, đất đào phải vận chuyển đổ ở khu đất của ông Nguyễn Hữu Nam (địa chỉ tổ 15, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) cách chỗ đào 7km, nhưng thực tế chỉ một phần khối lượng đất này được đổ vào khu đất của ông Nguyễn Hữu Nam, còn hầu hết là đổ và san lấp trực tiếp xuống lòng hồ.

Ông Trần Mạnh Hùng, Tổ trưởng tổ 15B, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình trực tiếp dẫn phóng viên tới khu đất nhà ông Nguyễn Hữu Nam. Tại đây, theo quan sát của phóng viên, toàn bộ khu đất đã được rào từ lâu, lượng đất đổ tại đây cũng không nhiều. Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, khu đất này chỉ khoảng 6.000 m2, trước đây có thấy xe vận chuyển đất đến đổ, tuy nhiên vài tháng nay khu đất này đã được rào lại và không có xe nào đến đổ.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm UBND xã Thịnh Hưng, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Yên Bái) đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái, cụ thể, ngày 6/10/2017 đã lập biên bản vi phạm, xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái về việc san gạt mặt bằng đã lấp đất xuống hồ Thác Bà với khối lượng lớn. Theo chức năng quản lý nhà nước, UBND huyện Yên Bình đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư số tiền 62 triệu đồng do vi phạm Luật Ðầu tư; yêu cầu dừng hoạt động san tạo mặt bằng, khắc phục hậu quả, hoàn thiện các thủ tục liên quan để đủ điều kiện hoạt động.

Dù vậy, trong quá trình san tạo mặt bằng, công ty này vẫn tiếp tục lấp xuống hồ một phần đất. Ngày 19/3/2018, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục lập biên bản vi phạm, yêu cầu công ty không tiếp tục san gạt đất xuống hồ và phải trả lại các diện tích san lấp và rơi xuống hồ. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu chấm dứt hành vi trên, Công ty này vẫn ngang nhiên tiếp tục san tạo mặt bằng và đổ đất trực tiếp xuống lòng hồ.

Ngày 5/11, khi phóng viên đến quan sát tại khu vực công ty này đang san gạt mặt bằng, ẩn khuất sau hàng rào được che chắn kín bằng bạt là gần chục máy xúc, xe tải vẫn đang liên tục đổ đất, san gạt xuống hồ khiến nước hồ tại khu vực này đục ngầu, sủi đầy bọt bẩn. Ngay trong lúc đang tác nghiệp, một đối tượng bặm trợn tự xưng là quản lý công trường của Công ty này đi tới quát tháo và nạt nộ phóng viên yêu cầu cấm quay phim, chụp ảnh. Đối tượng này dựng xe chặn phương tiện của các phóng viên không cho di chuyển. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của các phóng viên, đối tượng này mới chịu di chuyển xe ra chỗ khác để các phóng viên đi.

Sai phạm kéo dài gây nhiều hệ lụy

Chú thích ảnh
Khu vực Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái đang san gạt, đổ đất để tạo mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dán. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Việc các cơ quan chức năng không kiên quyết xử lý và bỏ qua sai phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn  một thành viên đá trắng Bảo Lai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái kéo theo nhiều hệ lụy và gây nhiều nguy cơ về môi trường, cảnh quan của hồ Thác Bà.

Tại buổi làm việc với chính quyền xã Thịnh Hưng, ông Nguyễn Tiến Quyết, Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cung cấp cho phóng viên biết thêm, trong quá trình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái san gạt đất để làm mặt bằng, một lượng lớn đất của công ty này đổ xuống làm ứ dòng chảy, gây ngập úng, làm thiệt hại hoa màu của một số hộ dân thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng. Ngày 22/9, chính quyền xã đã lập biên bản, yêu cầu công ty khắc phục dòng chảy, không gây ngập úng và đền bù thiệt hại cho người dân. Hiện nay, một số đất của công ty có nguy cơ tiếp tục sạt lở xuống ruộng, vườn của người dân khi có mưa lớn kéo dài.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà Nguyễn Mạnh Cường, vụ việc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đá trắng Bảo Lai coi như sự đã rồi khi nhà máy của công ty này đã đi vào hoạt động, nên việc khôi phục nguyên trạng lòng hồ là không thể. Chính vì không cương quyết ngăn chặn tình trạng đổ đất trái phép của Công ty Trách nhiệm hữu hạn  một thành viên đá trắng Bảo Lai đã dẫn đến việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái cũng có hành vi tương tự và vẫn đang liên tục tái diễn. Nguy hại hơn là một số người dân sống ven hồ thấy thế cũng tự ý san gạt mặt bằng, vì hai dự án của các công ty trên khi triển khai đã tạo thành những khe ngách nhỏ, rất dễ để người dân san gạt nhằm có mảnh đất rộng hơn.

Việc đổ đất, lấn chiếm hồ Thác Bà khiến diện tích mặt hồ bị thu hẹp, khi thủy văn và nước lũ về làm nước dềnh lên sẽ dẫn đến ngập úng vùng xả tưới tiêu bên dưới do lượng nước xả tăng. Bên cạnh đó, mặt bằng sau khi hai công ty này san gạt cao hơn mặt đường lưu thông của bà con nơi đây gần 2m, khi có mưa lớn kéo dài chắc chắn con đường này sẽ ngập nặng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Công ty đã thực hiện cắm khoảng 1.200 mốc vòng quanh hồ từ năm 2015 theo đúng các quy định của Nhà nước về hành lang bảo vệ hồ chứa, mốc quy định từ cao trình 59,65m đến cao trình 62m. Sau đó, các mốc này được bàn giao cho các xã để cùng quản lý. Tất cả các hoạt động san gạt, đắp đập be bờ, xây dựng dưới cốt 59,65m là vi phạm, đổ đất xuống hồ là vi phạm. Đối với hành vi vi phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên đá trắng Bảo Lai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái, tỉnh và huyện đã có văn bản nhưng rất khó xử lý.

Trước những sai phạm liên tục và kéo dài trong nhiều năm của hai doanh nghiệp trên, phóng viên đã chủ động liên lạc nhiều lần vào số máy của Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Văn Trọng để đề nghị được làm việc, nhằm phản ánh thông tin cụ thể về trách nhiệm quản lý và hướng xử lý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Trọng liên tục thoái thác.

Để khai thác hiệu quả các giá trị lợi ích lâu dài của hồ Thác Bà, đồng thời có biện pháp bảo vệ an toàn hồ chứa công trình thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc quyết liệt hơn để chấn chỉnh, xử lý dứt điểm hành vi san gạt, đổ đất trái phép xuống lòng hồ.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tuấn Anh - Việt Dũng (TTXVN)
Bảo đảm an toàn trong xả lũ Thủy điện Thác Bà
Bảo đảm an toàn trong xả lũ Thủy điện Thác Bà

Ngày 18/8, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã tiến hành lệnh xả lũ để bảo đảm an toàn đập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN