Chiều 10/6, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông tin thêm làm rõ các vấn đề xung quanh việc trường Đại học Tôn Đức Thắng (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng LĐLĐVN) “tố” cơ quan chủ quản yêu cầu phải nộp 30% chênh lệch thu chi trong khi trường là đơn vị đã tự chủ hoàn toàn và cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ đại học, trái với các quy định hiện hành.
Khẳng định chưa từng thu một đồng nào và cũng chưa từng có văn bản nào đòi tiền trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết: “Những ngày qua, Ban giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những phát ngôn không đúng bản chất, không đúng sự thật về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, gây tổn hại đến uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong khi đó, Tổng LĐLĐVN cũng đã từng hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để phát triển trường Đại học Tôn Đức Thắng được như ngày hôm nay. Việc hỗ trợ dưới nhiều hình thức như: Cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất, chứ không phải duy nhất là hình thức cấp như một số báo nêu. Từ nguồn tài sản này, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, đến nay khối tài sản đã tăng lên khoảng 3.000 tỉ đồng”.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cũng cho rằng, nguyên nhân của những phát ngôn làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị xuất phát từ Công văn số 655 ngày 7/5/2019 của Tổng LĐLĐVN ngày 7/5/2019 gửi Hội đồng trường và Ban giám hiệu về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Tổng LĐLĐVN khẳng định nội dung công văn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, Tổng LĐLĐVN không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của nhà trường mà tiếp tục tạo điều kiện tối đa để nhà trường tự chủ.
Theo đó, Lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh từng nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của các cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cụ thể, hiệu trưởng nhà trường đã không đồng ý để Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán nhà nước phải có công văn gửi Tổng LĐLĐVN; không đồng ý cho Đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐVN kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN đã 5 lần mời Ban Giám hiệu trường ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến 31/5/2019, trường mới cử 2 hiệu phó ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng còn có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường là Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ Trường Đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ toạ cuộc họp Hội đồng trường.