Tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2018.
Phiên họp Chính phủ tập trung bàn 2 nội dung chính: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Bàn về 5 dự án Luật (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Dự án Luật Trồng trọt; Dự án Luật Chăn nuôi; Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; Dự án Luật Dân số).
Họp Chính phủi thường kỳ tháng 2/2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình đón Tết nguyên đán, Chính phủ đánh giá các cấp các ngành đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt trong việc tổ chức Tết và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, nhân dân phấn khởi, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Các địa phương đã tổ chức chuyển quà tặng Tết của Chủ tịch nước đến gần 1,9 triệu đối tượng người có công với tổng kinh phí hơn 386 tỷ đồng; chuyển cấp phát gần 17.000 tấn gạo dịp Tết Nguyên đán theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho đối tượng chính sách và người có công.
Các địa phương đã bố trí kinh phí hỗ trợ khoảng trên 2.852 tỷ đồng với 4,7 triệu suất quà để thăm hỏi, tặng quà, động viên người và gia đình có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ trực Tết; cũng như quan tâm, hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn và nhân dân ăn tết vui vẻ. Tình trạng chúc Tết, quà cáp giảm mạnh.
Về Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, nhìn chung trên mọi miền Tổ quốc người dân đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi; không có các điểm xảy ra vấn đề nổi cộm trong thời gian qua.
Đặc biệt, ngay sau Tết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các công việc với tinh thần không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Các Bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau Tết. Các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nghiêm túc Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Công tác tổ chức lễ hội trên phạm vi toàn quốc đã được chấn chỉnh, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn so với các năm trước; các lễ hội có hành vi phản cảm đã giảm.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2018 vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ.
Với chỉ đạo của Ban Bí thư, của người đứng đầu Chính phủ về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết, lãnh đạo Trung ương không đi thăm, chúc Tết địa phương và các địa phương không chúc Tết cấp trên thì nhìn chung hiện tượng chúc Tết đã giảm cơ bản; chỉ đạo này được thực hiện nghiêm túc.
Sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng đã ban hành công điện đôn đốc các ngành, các cấp bắt tay ngay vào công việc.
Tại phiên họp sáng nay, về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu của năm 2018, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực.
Trong đó, nhiều chỉ số thể hiện như: Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất 13,4 tỷ USD trong tháng 2; 2 tháng đạt 33,6 tỷ USD, tăng gần 23%. Đặc biệt, nông sản xuất khẩu tăng gần 28%. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn khu vực FDI (21,8%). Xuất siêu đến 1,08 tỷ USD trong khi tháng này năm ngoái nhập siêu gần 50 triệu USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,2% cao gấp trên 6 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (2,4%). Trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 17,7% (cùng kỳ tăng 6,6%), khai khoáng đã tăng trở lại, đạt 5,7% (cùng kỳ giảm 13,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 5,1%). Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đạt trên 2,86 triệu lượt, tăng 29,7%.
Vốn FDI đăng ký 2 tháng qua tuy có giảm nhẹ nhưng giải ngân vẫn tăng mạnh, trong đó vốn thực hiện tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 3,3%), góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 102,5%.
Một tín hiệu đáng mừng nữa là đầu năm đã có trên 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 29,4% về số doanh nghiệp (cùng kỳ tăng 3,9%) và 29,3% về vốn đăng ký và gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng có Tết Nguyên đán tăng 0,73%, bình quân 2 tháng tăng 2,9% (cùng kỳ tăng 5,12%).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách người có công. An sinh xã hội được bảo đảm...
Thủ tướng cũng đã đánh giá, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập nên không được chủ quan, cần chỉ đạo khắc phục sớm. Dịp Tết vẫn còn những vấn đề như tai nạn giao thông, đốt pháo, phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên, tín hiệu vui là công nhân trở lại doanh nghiệp sau Tết đạt tỷ lệ cao, không có sự chuyển dịch phức tạp như các năm trước.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19/NQ-CP, 35/NQ-CP và Chương trình hành động của bộ ngành, địa phương.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là các bộ, ngành cần nghiêm túc triển khai Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kịch bản tăng tưởng, trình Chính phủ trước ngày 15/3.
Chính phủ yêu cầu đặc biệt lưu ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; phải có những chuyển biến rõ nét, thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược và xử lý nợ xấu, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và chúng ta hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối, do đó cần các giải pháp cụ thể đối với vấn đề này, kể cả việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là điện, nước, giáo dục, y tế cần được tính toán kỹ.
Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về 5 Dự án Luật, từng thành viên Chính phủ cần kiểm điểm xem Chính phủ, các Bộ ngành còn nợ đọng gì về thể chế, cần cải cách gì về cơ chế chính sách, hướng khắc phục ra sao, còn khó khăn vướng mắc gì cần được tháo gỡ.
Từng Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện....