Mẹ bỏ nhà đi không tin tức, các con trở thành những đứa trẻ mồ côi thiếu sự quan tâm yêu thương, chăm sóc. Các em tự bươn chải, đùm bọc lẫn nhau hoặc nương tựa họ hàng để sống qua ngày, chờ mong ngày mẹ quay trở lại gia đình.
Chờ ngày có mẹ
Chị Vừ Thị Lìa, 41 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Sín Chải, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Năm 2011, chồng chết được 3 tháng thì chị theo người ta sang bên kia biên giới lấy chồng, để lại 4 người con, đứa con gái lớn nhất 15 tuổi, cậu em trai nhỏ mới 4 tuổi. Mẹ bỏ đi, các em sống cảnh bơ vơ, không cha không mẹ. Thấy các cháu nheo nhóc, thiếu thốn đủ bề, bữa ăn bữa nhịn nên hai người chú ruột động viên vợ, nhận mỗi người 2 cháu đưa về nhà nuôi. Thỉ thoảng các chú lại đem các cháu lên thăm mộ bố, phát dọn cỏ hoang, cầu xin bố phù hộ để mẹ được bình an trở về với các con.
Mẹ bỏ đi, bố đi lấy vợ hai, anh em Cứ A Dê ở xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) bữa đói, bữa no đùm bọc nhau để sống. |
Tại nhà chú lớn, chị cả Lý Thị Hoa phải nghỉ học để em trai út Lý A Hảo đi trường biết con chữ. Ở nhà chú út thì cậu em Lý A Chờ, 9 tuổi, bỏ học đi chăn trâu để chị gái Lý Thị Kia, 14 tuổi đi học thực hiện ước mơ làm cô giáo. Ba năm rồi, các em thiếu tiếng gọi yêu thương “cha”, “mẹ”. Rảnh việc, Lý Thị Hoa lấy ảnh chụp chung cả nhà ra chỉ cho cậu em út biết mặt bố. Nhìn cậu em chăm chú vào tấm ảnh, hai khóe mắt Lý Thị Hoa rơm rớm nước mắt thương em, tủi phận mình.
Giàng Thị Cu, 3 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Háng Nà, xã Tà Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) sinh ra là đứa con hoang, phải mang họ mẹ. Chưa đầy 1 năm, Cu còn ngọt bầu sữa thì mẹ em là Giàng Thị Lằng đành lòng để con lại cho bố mẹ đẻ, theo lời người ta trốn nhà bỏ qua biên giới lấy chồng, 2 năm rồi không tin tức. Ông bà ngoại Giàng A Su đã ngoài 70 tuổi, mắt dần mờ, đôi chân vào rừng lên nương không còn nhanh nữa nhưng vẫn thay con chăm sóc, nuôi dạy cháu ăn học. Từng ngày, ông bà chờ con gái về đoàn tụ gia đình, cháu sẽ có hơi ấm của người mẹ. Chị Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tả Lèng dẫn chúng tôi đến nhà ông Giàng A Su để tìm hiểu thêm. Đón cháu từ trường về, ông Su lấy khăn ướt lau mặt cho cháu, ngồi bên bếp lửa hút điếu thuốc lào rồi nói: “Con còn nhỏ, mẹ nó bỏ đi để lại con cho ông bà chăm sóc, vẫn không có tin tức gì về. Bây giờ ông bà chỉ mong con gái quay về chăm sóc con cái. Ông bà cũng già rồi không thể chăm sóc và lo cho cháu được nữa”. Giàng Thị Cu hồn nhiên nô đùa cùng chú mèo, đàn gà con trước sân nhà. Cô bé vẫn chưa đủ hiểu, cuộc đời mồ côi của mình sẽ như thế nào khi không có cha, giờ mẹ lại đành lòng bỏ rơi em.
Giàng Thị Cu, ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) ở với ông bà ngoại, thiếu tình yêu thương của mẹ. |
Hai cái Tết rồi, Cứ A Dê và Cứ Thị Sầu, dân tộc Mông, ở bản Ngài Thầu thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu không có tiếng cười, không khí trong nhà u ám, buồn tủi. Các em có cha, có mẹ mà phải sống cảnh đơn độc, tự đùm bọc để sống, từng ngày mong ngóng mẹ về đoàn tụ với các con. Đầu năm 2012, mẹ Lù Thị Sua, 32 tuổi, dân tộc Mông nghe theo lời dụ giỗ của kẻ xấu bỏ nhà đi không có tin tức, thời gian sau bố lấy vợ hai và dọn xuống lán ruộng ở, không quan tâm các con. Giờ đây, Cứ A Dê 14 tuổi, Cứ Thị Sầu 9 tuổi ở trong ngôi nhà thống vách, hiu quạnh thiếu đi hơi ấm, tình yêu thương, chăm sóc của người cha, người mẹ.
Cứ A Dê học lớp 8, đáng lẽ phải ở bán trú cả tuần tại trường như các bạn khác, vì nhà xa hơn bốn cây số, sẽ có điều kiện học tốt hơn. Còn em nhỏ, Dê đành xin thầy cô được về nhà để chăm sóc em gái. Những đứa trẻ đáng lẽ được vui đùa hồn nhiên, có cả cha lẫn mẹ yêu thương, nuôi dạy khôn lớn nên người nhưng giờ đây lại đơn độc vươn lên để sống. Liệu tương lai của các em sẽ như thế nào? Ước mơ đâu đó vẫn còn xa xăm lắm!
Chúng tôi đến nhà, anh em Cứ A Dê vừa đi học về, nhanh tay ngoắc túi lên vách rồi nhóm bếp nấu bữa cơm tối. Anh nhóm lửa, em rửa xoong lấy nước bắc lên bếp. Dê dốc túi, vén những hạt gạo cuối cùng, đủ hai anh em nhặt nhạnh qua bữa. Nói là bữa cơm cho đủ vị, trên mâm của Cứ A Dê dọn ra chỉ có nồi cơm, ít muối dầm ớt cay. Nghe chúng tôi hỏi về mẹ, Cứ A Dê bưng bát cơm rưng rưng nước mắt nói: “Mẹ bỏ đi rồi, các cháu rất nhớ mẹ và mong mẹ về”. Ông nội Cứ A Lứ, 83 tuổi bước từ ngoài vào, mang gạo đến cho cháu. Thấy chúng tôi, ông Lứ kể: “Hai vợ chồng cãi cọ nhau, con dâu cùng mấy người trong bản nghe người ta bỏ sang Trung Quốc lấy chồng để sung sướng hơn, con trai tôi liền đi lấy vợ khác và dọn xuống lán ruộng ở để các con bơ vơ thế này. Ông bà thương, mang cho ít gạo, thức ăn, động viên các cháu cố gắng”.
Nghèo lại đói
Chị Lù Thị Pằng, 54 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Ngài Thầu thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu muốn có cuộc sống sung sướng hơn nên theo người ta sang bên kia biên giới. Chồng bỏ đi lấy vợ hai và làm nhà ở riêng, bỏ lại bốn đứa trẻ bơ vơ, đùm bọc nhau bữa đói bữa no qua ngày. Gia đình đang hạnh phúc, bỗng bất hạnh, nghèo đói. Đầu năm 2013, chị Pằng trở về, trong nhà chẳng có cái gì giá trị, ruộng nương chồng bán cho người ta nên giờ hoàn cảnh mẹ con nghèo lại thêm đói. Để có cái ăn, cái mặc cho gia đình, chị Pằng theo người ta vào rừng sâu bãi vàng Chin Sáng để làm công cho các chủ khai thác vàng. Vào nhà, chứng kiến mấy đứa trẻ đang sang mèn mén để chuẩn bị bữa ăn chiều, chúng tôi cũng thấy mủi lòng.
Ông Đào Xuân Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cho biết: Tình trạng phụ nữ bị lừa gạt qua biên giới để lại hậu quả kinh tế là gia đình giảm sút, nghèo đói, vì mất đi sức lao động chính trong gia đình. Đồng thời, phụ nữ bỏ đi nhiều, tỷ lệ dân số sẽ bị lệch, dẫn đến mất cân bằng giới tính, nam nhiều hơn nữ, kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Kỳ cuối: Bài học của người trở về