Hệ lụy kinh hoàng từ thế giới ảo

Danh sách điều trị cho các bệnh nhân nghiện game online tại nhiều bệnh viện ngày càng dài thêm. Phần lớn bệnh nhân ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, đều nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, trầm cảm, bị đuổi học, hoang tưởng, luôn cho rằng mình là nhân vật trong thế giới ảo...

Hãi hùng mê mộng, ảo giác



“Tại Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần ngày càng có nhiều bệnh nhân đến để tư vấn tâm lý, điều trị, các bậc phụ huynh cũng đến tìm hiểu về nghiện và cai nghiện game online cho con em mình. Riêng những bệnh nhân nặng phải điều trị thì thường do nghiện game chiến binh, game sex, game tình cảm. Các cháu này thường ở trong tình trạng bị rối loạn tâm thần, sống trong trạng thái mê mộng, ảo giác…”, BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Điều trị tâm thần và nghiện chất, Viện Nghiên cứu sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, Hà Nội, cho biết.


Mới đây, BS Dũng đã trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân L. và Th., là hai anh em ruột của một gia đình khá giả tại Hải Phòng. Bố liên tục đi công tác xa, mẹ bận quản lý tới 5 siêu thị nên hai anh em L. và Th. chỉ ở nhà với người giúp việc và thoải mái chơi game.


Có điều, L. và Th. không chơi game chiến binh mà lại đam mê game sex. Không cho bất kỳ ai vào trong phòng chơi game, cửa phòng của hai anh em lúc nào cũng đóng kín nên tới bữa, người giúp việc lại dọn đồ ăn, đặt trước cửa phòng... Chỉ đến khi cả hai anh em phát bệnh đến cuồng dại, suốt ngày lõa thể để quan hệ tình dục và không ngớt la hét thì người giúp việc mới biết và vội vàng đưa đi cấp cứu. Khi nhập viện, cả hai anh em vẫn ở trong trạng thái nửa tỉnh, nửa say. Trên cơ thể cô em gái thì toàn các vết cắn và thâm tím. Đặc biệt, khi tách hai anh em ra thì cả hai đều gào thét, phản ứng rất mạnh và đòi nằm cạnh nhau.


Một trường hợp khác cũng mới nhập viện điều trị vì nghiện game online là Nguyễn Văn T., tốt nghiệp ĐH Thương mại được 2 năm, được bố mẹ cho quản lý một cửa hàng Internet. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ trông coi T. trở thành một game thủ lúc này không hay. T. say game chiến và game tình dục cả ngày lẫn đêm.


Sau đó, T. liên tục rơi vào trạng thái khác thường, cho rằng mình có nhiều người yêu, gặp bất cứ ai cũng xông vào đánh đập vì nghĩ người khác là kẻ thù, muốn chiếm đoạt người yêu của mình, tài sản của mình. T. thường thủ trong người vũ khí (dao, kéo, dây...) để tấn công người khác, cho dù mỗi lần khiêu chiến là mỗi lần T. bị đánh đến “thập tử nhất sinh”. Thậm chí, đã có lúc T. chặt tay tự tử nhưng không thành.


Các BS điều trị cho hay, sau một thời gian điều trị tại Viện Nghiên cứu sức khoẻ tâm thần, bệnh tình của T. ổn định và được ra viện. Nhưng do gia đình không tiếp tục chú ý chăm sóc thuốc thang, vẫn để bệnh nhân quản lý cửa hàng Internet nên T. lại tiếp tục chơi game. Hậu quả là bệnh tình của T. lại tái phát nặng hơn, T. đâm và đánh gãy xương sườn mẹ, đánh em gái tới mức chấn thương vùng sinh dục.


Điều trị cách nào?


“Điều khó khăn nhất trong công tác điều trị cai nghiện game online là bệnh nhân không hợp tác, luôn khẳng định mình không có bệnh. Nhiều trường hợp bác sĩ phải cưỡng chế, ép bệnh nhân phải dùng thuốc. Đặc biệt, có rất ít gia đình cho rằng con mình bị nghiện game, họ chỉ đưa con đến cơ sở y tế khi họ không còn phương pháp nào để giúp con ra khỏi tình trạng hoảng loạn, có những hành vi nguy hiểm.


Gia đình của bệnh nhân T. nêu trên là một ví dụ điển hình, họ vẫn cho rằng bệnh tình của T. là do làm việc quá sức hoặc do ma làm. Vì vậy, bây giờ gia đình đang đưa T. tới một tỉnh xa để nhờ thầy cúng chữa cho khỏi bệnh”, BS Nguyễn Văn Dũng bức xúc.


Theo BS Nguyễn Văn Dũng, cơ chế gây nghiện cho bệnh nhân nghiện game online là do rối loạn hai chất dẫn truyền các xung thần kinh là serotonin và dopamine. Người nghiện game thường xuyên ở trong phòng kín quá lâu, không được tiếp xúc với môi trường, với ánh nắng mặt trời khiến cho tiết tố serotonin bị giảm. Bên cạnh đó, việc thần kinh phải liên tục làm việc không nghỉ với cường độ cao lại khiến lượng dopamine tăng quá cao, gây cảm giác hưng phấn cao độ khiến cho họ khó kiểm soát được những hành vi, thái độ của mình.


Để điều trị cho bệnh nhân, các BS tại Viện nghiên cứu Sức khỏe tâm thần áp dụng ba phương pháp: Tâm lý liệu pháp, hướng dẫn hành vi ứng xử (xác định cho bệnh nhân đó là không có thực) và tái thích ứng cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để bệnh nhân không tái nghiện lại phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng và nhất là gia đình.


“Nhiều bệnh nhân nặng đến điều trị tại viện là con em của những gia đình khá giả, có nhiều tiền nhưng lại dành quá ít thời gian cho con cái. Do đó, để phòng tránh cho con em mình khỏi nghiện game online, các bậc cha mẹ hãy quan tâm tới con nhiều hơn. Cần đưa con em tới bệnh viện chuyên khoa ngay khi thấy có những biểu hiện như: Thời gian sinh hoạt không bình thường, suy nghĩ thiếu tập trung nhưng lại đam mê vào trò chơi online, rối loạn giấc ngủ và rối loạn cảm xúc…”, BS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.

Phương Liên - Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN