Các biện pháp chế tài kết hợp với tuyên truyền đang được các cơ quan chức năng triển khai để hạn chế tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài về vấn đề này.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài. |
´Xin ông cho biết các giải pháp Việt Nam đang triển khai để khắc phục tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc?
Hàn Quốc ngừng ký gia hạn Bản ghi nhớ về việc phái cử lao động sang Hàn Quốc hết hạn vào tháng 8/2012 và tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam, do tình trạng bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai các biện pháp để khắc phục tình trạng này. Gần đây nhất là hai chế tài: Thứ nhất, thực hiện thí điểm ký quỹ đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Quyết định 1465 của Thủ tướng vào 21/8/2013 với số tiền ký quỹ là 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thứ hai, quy định xử phạt hành chính theo Nghị định số 95 của Chính phủ, trong đó có quy định xử phạt đến 100 triệu đồng nếu bỏ trốn ở lại Hàn Quốc và một số hình phạt bổ sung. Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để ra thông tư hướng dẫn triển khai hai biện pháp chế tài này trong tháng 10.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTXH cũng đã thành lập Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vào ngày 21/8 và tuyên truyền những chính sách để lao động về nước đúng thời hạn, với định kỳ 2 tuần/lần, tại 7 trung tâm hỗ trợ tư vấn lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
´Vậy khi ký quỹ đi lao động Hàn Quốc, người lao động cần lưu ý những điểm nào, thưa ông?
Trước đây, khi đi lao động tại Hàn Quốc, người lao động không phải ký quỹ, tổng chi phí chỉ 630 USD và mang theo 450 USD để mua bảo hiểm rủi ro. Tuy nhiên, từ nay, nếu đi lao động tại Hàn Quốc, người lao động sẽ phải ký quỹ. Khi về nước đúng hạn, người lao động sẽ nhận lại toàn bộ tiền ký quỹ, gồm cả gốc lẫn lãi.
Trong một số trường hợp phát sinh như người lao động ký quỹ rồi nhưng không đi lao động nữa, hoặc trong quá trình làm việc bình thường xảy ra tai nạn, sức khỏe không đảm bảo... thì vẫn được nhận lại tiền ký quỹ. Chỉ khi lao động phá vỡ hợp đồng hoặc ở lại lao động bất hợp pháp thì tiền ký quỹ đó sẽ được xung vào Quỹ hỗ trợ việc làm tại địa phương, nơi người lao động cư trú trước khi xuất cảnh. Số tiền này sẽ phục vụ cho công tác tạo việc làm tại địa phương. Việc ký quỹ như vậy sẽ mang tính ràng buộc về mặt tài chính.
´Số tiềnký quỹ 100 triệu đồng liệu có quá cao với người lao động không, thưa ông?
Số tiền 100 triệu đồng so với người có hoàn cảnh khó khăn sẽ cao. Nhưng khi trao đổi với phía Hàn Quốc, họ cho rằng không quá cao, quy đổi tương đương khoảng 5.000 USD, trong khi lao động tại Hàn Quốc có mức lương từ 1.000 - 1.500 USD/tháng, nên chỉ sau 3 đến 5 tháng, đối tượng sẽ tiết kiệm được số tiền này.
´Ông có thể cho biết những giải pháp cụ thể mà Bộ LĐTBXH và đối tác Hàn Quốc triển khai nếu thị trường lao động này được nối lại?
Những địa phương có lao động về nước đúng hạn sẽ có hình thức khen thưởng. Còn với địa phương có số lượng lao động ở lại gia tăng, phía Hàn Quốc sẽ không tiếp tục tuyển lao động tại địa phương đó. Ngoài ra, theo thông tin từ phía Hàn Quốc, sau thời gian gần 5 năm lao động tại Hàn Quốc, người lao động sẽ có khoảng 5 tháng lương thưởng thêm, số tiền này phía Hàn Quốc thông báo sẽ trao tại sân bay Hàn Quốc, khi người lao động Việt Nam hoàn thành hợp đồng, hoặc sẽ nhận khi về Việt Nam. Đây cũng là yếu tố động viên lao động về nước đúng thời hạn.
Theo phản ánh, gần đây có một số đối tượng tung tin đã nối lại việc đi lao động Hàn Quốc để trục lợi, vậy ông có khuyến cáo nào về hiện tượng này?
Sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước mới đây, một số đơn vị thông tin lao động chuẩn bị được đi lao động Hàn Quốc để trục lợi. Do đó, các lao động cần kiểm tra thông tin tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước và các sở LĐTBXH các địa phương. Còn các thông tin từ tổ chức, cá nhân không có giấy phép xuất khẩu lao động hoặc không chính thống, người lao động cần gọi điện tới Cục Quản lý lao động ngoài nước xin tư vấn, để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Bộ LĐTBXH và các ngành hữu quan đang nỗ lực sớm ký với phía Hàn Quốc về Bản ghi nhớ đặc biệt có thời hạn 1 năm. Sau 1 năm tổng kết, nếu tình trạng lao động bỏ trốn được cải thiện, phía Hàn Quốc sẽ ký Bản ghi nhớ theo thông lệ trước đây.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trung tâm lao động ngoài nước, đơn vị đã thông báo rà soát lại hơn 11.000 lao động đã thi tuyển tiếng Hàn vào tháng 12/2011. Nếu đối tượng còn nguyện vọng đi lao động Hàn Quốc sẽ được bổ túc lại tiếng Hàn với mức học phí hợp lý hoặc người lao động có thể tự ôn luyện tiếng Hàn. Bên cạnh đó, các đối tượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại các huyện nghèo (hơn 2.600 lao động), đối tượng ngư nghiệp (hơn 300 lao động) và đối tượng về nước đúng thời hạn sẽ được ưu tiên trong việc đưa thông tin lên mạng để đối tác sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. |
Xuân Cường (thực hiện)