Hạn chế hoạt động xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng trên 60% nhu cầu

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy vừa được Viện Chiến lược và phát triển GTVT đề xuất triển khai khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.

Chú thích ảnh
Ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Để đảm bảo yêu cầu trên thì đến năm 2030, Hà Nội cần đưa vào hoạt động 8 đoạn tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, 50.000 - 55.000 xe hợp đồng. Việc từng bước hạn chế hoạt động của xe máy vào năm 2030 chỉ nên thực hiện trên các tuyến đường có năng lực hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Khi thực hiện phân vùng hạn chế xe máy cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng tới các tuyến đường xung quanh; thực hiện dừng xe máy theo giờ và theo ngày trong tuần đối với các khu vực, tuyến đường lựa chọn. Cụ thể, trên các tuyến đường chỉ hạn chế trong khung giờ cao điểm. Các khu vực khác chỉ hạn chế trong khung giờ hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng (từ 6 - 22 giờ)”, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết.

Viện Chiến lược phát triển giao thông đưa ra hai phương án hạn chế xe máy theo ranh giới hành chính giữa các quận và phương án theo vành đai giao thông.

Phương án hạn chế xe máy theo quận sẽ được tiến hành ở 12 quận nội thành và 5 huyện chuẩn bị lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ nay đến năm 2030. Tổng dân số bị ảnh hưởng là 4,74 triệu (chiếm 52% dân số toàn thành phố). Tuy nhiên, phương án này được cho có nhiều hạn chế, như: Công tác tổ chức giao thông sẽ khó khăn, vì không có vành đai kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện; thiếu bãi đỗ xe, điểm trung chuyển để kết nối...

Còn về phương án hạn chế xe máy theo vành đai thì vành đai 3 đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy. Vành đai 3 hiện đã khép kín với mặt cắt ngang rộng, quy mô 8 - 10 làn xe, trên tuyến có một số đoạn hình thành cao tốc đô thị, đảm bảo khả năng phân luồng lưu thông. Vành đai 3 thuận tiện xây dựng điểm đỗ xe, điểm trung chuyển, trạm dừng nghỉ.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố có hơn 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có khoảng 600.000 ô tô các loại và khoảng 6 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011 - 2018 bình quân tăng 11%/năm đối với ô tô (ô tô con là 11,5%/năm), xe máy là 6,75%/năm.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ của Thủ đô hiện không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp, gia tăng ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng lộ trình nhằm hạn chế xe cá nhân từ năm 2017. Hai năm qua, Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT và các chuyên gia xây dựng đề án nghiên cứu. Từ nghiên cứu này, Hà Nội sẽ lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng để có giải pháp tối ưu khi triển khai việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

 

XM/Báo Tin tức
Trao giải sáng tác tiểu phẩm an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số
Trao giải sáng tác tiểu phẩm an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

Tối 25/10, Ban Dân tộc phối hợp cùng Ban An toàn giao thông, Trung tâm văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vòng chung kết - trao giải Hội thi “Sáng tác kịch bản và biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số” năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN