Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố vào chiều ngày 29/8.
Số ca mắc sởi tiếp tục tăng nhanh
Thông tin về công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ chí Minh, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế THồ Chí Minh cho biết, hiện số ca mắc sởi tại thành phố đang gia tăng hàng này. Tính đến nay, Thành phố ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm 2 ca của Thành phố và 1 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, số ca sởi ở Thành phố đang tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Thành phố. Hiện nay tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh chưa đạt 95%, nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện bệnh viện đang điều trị cho 38 trường hợp sởi, trong đó có 4 trường hợp nặng. Từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 368 trường hợp mắc bệnh sởi; trong đó, số ca nặng phải nằm ở khoa Hồi sức và cấp cứu chiếm 28,2%. Đa số bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi.
Qua phân tích của bệnh viện, trẻ nhập viện trong độ tuổi dưới 9 tháng chiếm 31,2%; trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi chiếm 23,3%; trẻ từ 12 - 60 tháng tuổi chiếm 35,5%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong số bệnh nhân nằm ở khoa Hồi sức nhiễm không có bệnh nhi nào tiêm đủ hai mũi vaccine sởi, trong đó chưa chích ngừa mũi nào lên đến 85%.
“Trước 6/2024, bệnh viện không ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc sởi khám và điều trị. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024, số bệnh nhân đến khám và nhập viện do sởi tăng rất cao, tăng cao nhất là từ đầu tháng 8 đến nay”, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Lý giải số ca mắc sởi gia tăng trong thời gian qua, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, kết quả kiểm tra huyết thanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỉ lệ mẫu có kháng thể IgG luôn thấp dưới ngưỡng 95%. Tỉ lệ dương tính với kháng thể IgG có xu hướng thấp hơn ở nhóm 5 - 15 tuổi, có thể do sự suy giảm nồng độ kháng thể theo thời gian hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Kết quả điều tra kháng thể giải thích sự gia tăng số ca bệnh sởi trong thời gian qua trên địa bàn thành phố, cũng như sự xuất hiện của các ca bệnh ở nhóm trẻ lớn tuổi.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chi Minh, dự báo thời gian tới thời tiết mát cùng với mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan. Nếu không triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống, dịch sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine, cần giảm áp các bệnh nhi từ tuyến dưới lên TP Hồ Chí Minh để tránh quá tải. Kiểm soát phòng, chống dịch ngay trong bệnh viện để chống lây lan.
Ông Nguyễn Vũ Thượng phân tích thêm, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu là những quận, huyện vùng ven. Đây cũng là nơi có khu nhà trọ và công nhân nhiều. Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Chánh có gần 120 ca mắc sởi, quận Bình Tân có gần 100 ca mắc và huyện Hóc Môn có gần 30 ca mắc.
Trước tình hình hầu hết các ca sởi tập trung ở quận, huyện vùng ven, ông Thượng đề xuất cần phối hợp với các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các quận, huyện vùng ven; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đưa con đi tiêm vaccine sởi.
Hạn chế chuyển tuyến, tiêm vaccine cho các tỉnh lân cận
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngay sau khi UBND TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi trên toàn địa bàn thành phố, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch; triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trong cộng đồng từ ngày 31/8 và tiêm xuyên kỳ nghỉ Lễ 2/9; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên; kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học, trong các cơ sở bảo trợ xã hội; triển khai kịch bản xử lý các tình huống dịch, bệnh sởi trong cộng đồng…
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành khác tăng cường công tác điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến lên TP Hồ Chí Minh vì hiện nay việc chuyển tuyến sẽ dễ lây lan bệnh sởi và quá tải các bệnh viện.
Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện nay, bệnh từ tuyến tỉnh chuyển lên các bệnh viện TP Hồ Chí Minh khá nhiều. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có đến 75% bệnh nhân nặng nằm hồi sức đến từ các tỉnh khác. Do đó, Bộ Y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước để làm sao hạn chế chuyển tuyến, nếu chuyển tuyến nhiều thì nguy cơ dịch lây lan càng cao.
Bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các ca sởi điều trị tại TP Hồ Chí Minh đều ở các quận, huyện vùng ven và các tỉnh, thành. Do đó, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế tổ chức tiêm vaccine sởi cho các tỉnh, thành lân cận để giảm áp lực cho Thành phố, từ đó kiểm soát dịch tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, một trong những điểm yếu của hệ thống chuyển đổi số là liên thông dữ liệu của các ngành; do đó, đề xuất Bộ Y tế chỉ đạo triển khai liên thông dữ liệu về tiêm chủng vaccine. Khi đó, chỉ cần nhập số định danh cá nhân của trẻ là ra được số vaccine trẻ đã tiêm ngừa.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá rất cao sự sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch tại thành phố và rất yên tâm với kế hoạch ứng phó với dịch bệnh của Thành phố. Tuy nhiên, đoàn cũng nhận thấy Thành phố gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch như biến động dân cư; số lượng dân đông với nhiều khu công nghiệp, nhà trọ; tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng còn thấp trong khi đó thời gian ủ bệnh của bệnh sởi kéo dài. Qua đó, nếu không giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ thì sẽ dẫn đến không kiểm soát được dịch bệnh một cách triệt để.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung vào các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo chính quyền các địa phương vào cuộc để kiểm soát được dịch trong thời gian ngắn nhất.
“Dịch sởi chỉ có thể cắt được sự lây lan khi mà sự miễn dịch cộng đồng đặt được từ 95% trở lên, nhưng tại Thành phố miễn dịch cộng đồng dưới mức 95%, do đó tiêm vaccine là quan trọng nhất. Thành phố cần khẩn trương triển khai tiêm vaccine một cách an toàn và hiệu quả nhất, có kế hoạch xử trí phản ứng sau tiêm. Chủ động tiêm cho đối tượng có nguy cơ và đặc biệt lưu ý các đối tượng ở khu nhà trọ, khu công nghiệp có nguy cơ cao hơn các nơi khác”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Thành phố tiếp tục giám sát và phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông tại các nơi công cộng; truyền thông để phòng, chống dịch nhưng không gây hoang mang cho người dân vì đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B; đồng thời đề nghị các cơ sở y tế sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực, thuốc; đặc biệt công tác phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện.