Hẩm hiu nghề làm bánh truyền thống

Những làng nghề làm bánh thủ công truyền thống, như làng bánh in An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vào những ngày “trái vụ”, không khí không được tấp nập, đông vui.

Nghề cổ truyền

Vào những ngày “huy hoàng” của nghề làm bánh, xóm nhỏ bên sông Ly Ly ở tổ 18 (thôn An Lạc) thơm lừng mùi đậu xanh. Khắp làng là tiếng lách cách của người cán bột, gõ khuôn. Từ 3 giờ sáng, những chảo chứa đầy đậu xanh đã nghi ngút khói, tiếng nói cười rôm rả.

Gói bánh in.



Anh Nguyễn Hội (48 tuổi, tổ 18, thôn An Lạc) gắn bó với nghề bánh in từ lúc tóc còn để chỏm. “Bánh của tui là bánh thủ công chính cống đấy”. - anh nói. Bên chiếc vỉ tre, từng chiếc bánh được chị Phong, vợ anh, xếp ngăn nắp, đưa vào lò sấy. Nhà anh làm ba loại bánh: in nếp, dẻo, in đậu xanh.

Theo anh Hội, đúng chất truyền thống, bánh in nhà anh được làm từ bột nếp, đậu xanh, đường. Bột nếp được mua từ Quảng Ngãi. Mùa hè trong năm, anh trồng đậu xanh ở vườn để dự trữ cho việc làm bánh ngày Tết.“Số lượng đường và bột ngang nhau thì bánh mới ngọt đều” - anh tiết lộ. Đoạn, kể từng công đoạn.

Bánh chất đầy nhà ông Hội nhưng tiêu thụ chậm.



Hạt nếp hoặc đậu xanh ngâm nước vừa ráo, đem rang bằng chảo trên lửa nóng. Rồi xay thành bột. Chà bột và đường đến khi nào hai thứ quyện vào nhau, quyện đến không còn phân biệt được bột hay đường. Sau đó dùng khuôn có khắc các chữ Phúc-Lộc-Thọ nén chặt. Bỏ bột dưới lớp đáy, bỏ nhân chính giữa, bỏ một lớp bột lên trên, lấy nắp đậy. Rồi gõ bánh ra, đặt lên những chiếc nống lót giấy báo, hong trên than hồng. Dưới cái nóng hừng của than, đường tan ra trong bột như một thứ keo mật. Cuối cùng, bọc giấy ngũ sắc.

Không còn ở đâu như ở cái xóm nhỏ này, giống truyện Nguyễn Nhật Ánh, trẻ con vẫn còn chơi đùa bằng cách lấy giấy ngũ sắc soi lấp lánh lên ánh sáng mặt trời. Những cái bánh in An Lạc, được bán khắp Quảng Nam, ra tận Đà Nẵng.

Cách đây chừng chục năm thôi, ở xóm nhỏ An Lạc này có chừng hơn 30 hộ làm bánh, nhưng bây giờ chỉ còn vỏn vẹn có 8 người. Tiếng lách cách của người cán bột, gõ khuôn, mùi thơm lừng của bột đậu xanh dường thưa dần nơi xóm nhỏ, thưa dần trong tâm trí người.

Mai một nghề thủ công

Nói về làng nghề làm bánh in thủ công thì e rằng, ở Quảng Nam, chỉ còn mỗi một làng nghề bánh in An Lạc. Thời huy hoàng, nhà nhà làm bánh, người người làm bánh. Người lớn cặm cụi đúc khuôn, trẻ con ngồi bên háo hức chờ những mẩu bánh thừa. Đấy không chỉ là nghề mưu sinh, mà còn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc làng quê. Đời sống công nghiệp, với gọn nhanh fast food xâm chiếm nơi làng mạc, những cái bánh in thủ công ngày càng ế ẩm. Càng ngày bánh càng ế.

Ông Nguyễn Mật, 63 tuổi, than thở: “Người ta ngày càng thích mua bánh hộp hơn. Chắc một ngày làng bánh cũng lụi tàn anh à”. Cũng như năm trước, năm này ông Mật cũng thuê 5 nhân công làm ở các công đoạn xay bột, in bánh, sấy… Nhưng, mặt ông buồn rười rượi khi nhìn số bánh chất đống mà chưa bán được cái nào.

Theo ông Mật, bánh in An Lạc rất rẻ, chỉ 30 nghìn một kg bánh đậu xanh. Ông Mật cho biết giá như vậy rẻ hơn nhiều so với nhiều loại bánh khác. Có người thắc mắc rằng bánh làm thủ công như vậy có đảm bảo vệ sinh không, thì ông Mật khẳng định, ở đây đảm bảo vệ sinh trong từng công đoạn.

Cũng có người ở làng nghề đầu tư thêm máy móc để việc làm bánh được thuận lợi, đấy là ông Huỳnh Tấn Ánh (57 tuổi). Ông mua một máy liên hợp sấy và xay bột, nếp hay đậu xanh đưa vào máy là tự động được sấy khô và ra bột. Nhưng các công đoạn khác ông vẫn làm thủ công. Ông nói: “Nhà tôi làm bánh đã mấy đời, tôi nghĩ dù có cải tiến mấy mình cũng phải lưu giữ cái chất thủ công truyền thống”. Ngoài bánh in, ông còn làm bánh dẻo, kẹo đậu. Nhà ông là hộ làm bánh lớn nhất ở thôn An lạc, nhưng ông cũng bảo, bánh thủ công càng ngày càng ế, càng ngày càng ít mối đặt hàng.

Bài và  ảnh:  Mai Thành Dũng

Bánh nậm
Bánh nậm

Bánh ấy mẹ đợi đến ngày hôm sau - giỗ chính - mới gói. Sáng sớm bắt đầu gói. Gói sớm, nấu sớm, còn vớt nguội cho kịp bày lên cùng cỗ cúng. May mà cái bánh này làm nhanh, nấu nhanh nên cũng không “vấn đề” gì lắm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN