Hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường trong quản lý khoáng sản

Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa tài nguyên địa chất, khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây là 1 trong số 10 sự kiện đáng quan tâm về ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2024 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố gần đây.

Chú thích ảnh
Hoạt động khai thác khoáng sản tại khai trường Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai (Vimico). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản cho biết, năm 2024, với mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công tác tham mưu quản lý nhà nước về khoáng sản của Cục Khoáng sản Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến ngày 6/12, Cục Khoáng sản Việt Nam đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành 3 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 1 Quyết định điều chỉnh Giấp phép thăm dò khoáng sản; 19 Giấy phép khai thác khoáng sản; Quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản; 2 Quyết định cho phép tiếp tục khai thác khoáng sản; 9 Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; 4 Quyết định điều chỉnh, gia hạn đóng cửa mỏ; 12 Quyết định đóng cửa mỏ; 37 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; 8 Quyết định phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư.

Đồng thời, Cục đã rà soát và ban hành các văn bản đề nghị Cục Thuế địa phương trên toàn quốc ban hành Thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thực hiện kiểm tra công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giai đoạn 2020 - 2023) và công tác xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư do UBND tỉnh cấp phép tại 2 địa phương: Thừa Thiên - Huế và Kiên Giang.

Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 là đưa hoạt động địa chất cùng với khoáng sản vào quản lý, đặt trong chiến lược khai thác sử dụng dài hạn, hài hòa lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Hiện Bộ đang tổ chức xây dựng các dự thảo Nghị định, dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Trong đó, Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn ban hành 1 Nghị định, 1 Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về khoáng sản nhóm IV để bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025 đồng bộ cùng với Luật.

Bộ đã phê duyệt và chỉ đạo tổ chức triển khai các Đề án: “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long”; “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”. Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc năm 2023, nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết các vướng mắc trong hoạt động khoáng sản.

Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng. Bộ đã bám sát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản; rà soát, thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Chú thích ảnh
Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, nghiên cứu quặng thiếc trong đá hoa tại khu vực xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: TTXVN phát

“Xanh hóa” ngành khai khoáng

Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản, Luật Địa chất và khoáng sản 2024 bổ sung có nhiều quy định mới, trong đó việc phân nhóm khoáng sản sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, khoáng sản đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

Đáng kể, tại Chương III Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 đã bổ sung một nội dung hoàn toàn mới, nhằm thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, tập trung vào phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, phản ánh xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Để Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 đi vào cuộc sống đạt hiệu lực, hiệu quả giúp phát triển bền vững khoáng sản quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Mai Thế Toản cho rằng, năm 2025, Bộ sẽ tổ chức xây dựng các Đề án: Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng đồng bằng sông Cửu Long”; “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”.

Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ về thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản.

Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản chưa phê duyệt hoặc phê duyệt tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lập hồ sơ trình phê duyệt chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã đủ căn cứ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác; triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản năm 2024; lập Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực khoáng sản.

Diệu Thúy (TTXVN)
Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ tán thành cao. Luật Địa chất và khoáng sản đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN