Xe khách dừng lại bắt khách gần nút giao thông Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng trước khi lên đường vành đai 3. |
Liên quan đến việc các xe khách vẫn chạy sai luồng tuyến tại Hà Nội phải dừng trước 1/10 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết: “Sở vẫn đang phối hợp đơn vị liên quan xây dựng bản đồ luồng tuyến chi tiết và báo cáo với UBND thành phố Hà Nội. Lãnh đạo UBND thành phố cũng đã đồng ý về nguyên tắc cho lùi thời gian điều chuyển các tuyến xe khách và yêu cầu phải công khai”.
Ông Hà Huy Quang cũng không cho biết về thời hạn cụ thể phải hoàn thành bản đồ luồng tuyến này và chỉ thông tin, toàn bộ các hướng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh Đông - Tây - Nam - Bắc đi, đến, quá cảnh tại Hà Nội đều đã được điều hướng theo các đường vành đai. Cụ thể, toàn bộ xe khách liên tỉnh di chuyển theo các tuyến QL1A, QL2, QL3, QL5, QL5B, QL6, Đại lộ Thăng Long, nếu đi qua địa bàn trung tâm thành phố đều phải chuyển hướng lên đường vành đai 3 hoặc qua các vành đai 2; 2,5.
Ông Quang cho rằng khô ng có xe khách liên tỉnh đi xuyên tâm nhưng theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc chạy qua các tuyến vành đai 2 và 2,5 thực chất là đang chạy xuyên tâm qua thành phố.
Cũng theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, những luồng tuyến vận tải đi trên trục vành đai 3 gây ra ùn tắc thường xuyên tại các tuyến đường, nút giao thông như: Nam cầu Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, nút giao Thanh Xuân. Các tuyến Cầu Giấy-Xuân Thủy, Nguyễn Trãi-Chiến Thắng, Tam Trinh-Đền Lừ cũng là những điểm “nóng” giao thông có liên quan đến vận tải hành khách liên tỉnh.
Với trường hợp cụ thể mà dư luận quan tâm là 2 bến xe Mỹ Đình và Nước Ngầm, ông Hà Huy Quang thừa nhận có sự chênh lệch về số lượng tuyến, nốt giữa 2 bến xe này. Bến xe Mỹ Đình rộng hơn 3,5 ha, trong khi đó bến xe Nước Ngầm chỉ rộng 1,7 ha, do khả năng đáp ứng khác nhau nên đương nhiên số lượng tuyến, nốt phải khác nhau. Nếu dồn các tuyến từ Mỹ Đình về Nước Ngầm sẽ gây quá tải. Việc điều chỉnh luồng tuyến phải tính đến cả nhu cầu của hành khách lẫn khả năng đáp ứng của bến xe và mạng lưới vận tải hành khách công cộng trung chuyển chứ không đơn thuần là bớt chỗ nhiều thêm vào chỗ ít.
Hà Nội hiện có 5 bến xe chính gồm bến xe Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, kết nối với 41 tỉnh, thành phố; tần suất hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh là 4.915 nốt, 140.411 chuyến/tháng; phục vụ bởi 4.738 phương tiện của 450 doanh nghiệp, trong đó riêng Hà Nội có 61 doanh nghiệp với 1.016 phương tiện.
Về lâu dài, theo quy hoạch GTVT Thủ đô, Hà Nội sẽ có 11 bến xe khách liên tỉnh gồm 4 bến xe tại khu vực Bắc sông Hồng, 7 bến xe tại Nam sông Hồng, quy mô từ 1,45-10 ha, đủ năng lực đáp ứng vận tải hành khách liên tỉnh. Một số bến xe trong nội đô sẽ được chuyển hóa thành các bến trung chuyển, kết nối bằng mạng lưới vận tải hành khách công cộng.