Các nội dung được nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn là việc thu hồi các dự án chậm triển khai, thậm chí có những dự án có quyết định thu hồi nhưng vẫn vướng khó triển khai được.
Cụ thể, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) chất vấn về việc triển khai kết luận của Thường trực HĐND thành phố tại phiên giải trình tháng 8/2018 và UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các sở ngành, quận huyện liên quan khẩn trương rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm.
Đến nay, theo báo cáo của 2 sở cho thấy, đã dừng được 40/47 dự án, trong đó Sở KH&ĐT chấm dứt được 33/39 dự án thuộc trách nhiệm của Sở. Sở TN&MT thu hồi được 7/8 dự án thuộc trách nhiệm của Sở. Như vậy, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất và thu hồi dự án, trong đó có 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch để tiếp tục triển khai, tức là đến thời điểm tháng 6/2019 còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thường trực HĐND TP và Chủ tịch UBND thành phố. Vậy, nguyên nhân và bao giờ thực hiện xong việc dừng thực hiện đối với các dự án còn lại này?
Còn đại biểu Trần Vân Hoa (tổ Tây Hồ) chất vấn, qua giám sát có 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4 ha. Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Phương án giải quyết như thế nào?
Trong khi đó, đại biểu Hồ Vân Nga chất vấn về việc Sở TNMT đã tiến hành thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm và đã phải dừng 41 dự án do nhiều nguyên nhân, trong đó có 5 dự án báo cáo là không liên lạc được với chủ đầu tư (gồm dự án ở lô đất 13 KĐT mới Đại Kim Định Công - quận Hoàng Mai, dự án ở 75 Phương Mai - quận Đống Đa và 3 dự án ở huyện Thạch Thất). Theo quy định pháp luật, với những trường hợp nhà đầu tư không hợp tác thế này, Sở có biện pháp xử lý như thế nào?
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho các sở ngành. Sở KHĐT được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo giải trình. Trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh, giao Sở TNMT chủ trì; còn 39 dự án giao Sở rà soát và tham mưu, xử lý. Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND thành phố, có hướng xử lý.
Qua quá trình rà soát cho thấy, có dự án có tính pháp lý chưa đủ, một số sở ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo. Việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sát đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì vậy, để chấm dứt hoạt động của dự án, cũng cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi, bởi một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra, có dự án chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng.
Do đó, phải rà soát các văn bản, kiến nghị các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết đồng bộ giữa các luật, giải quyết các dự án chuyển tiếp. Cùng đó, hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, đô thi, các quy hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện; công bố các danh mục đầu tư; tăng cường thanh kiểm tra các dự án.
Còn Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn cho biết, về 18 dự án vi phạm (như tại Ba Đình, Phú Xuyên, Hoài Đức…) mà thành phố đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi nhà nước thu hồi đất, khi rà soát lại cho thấy: Các trường họp này chậm thực hiện GPMB, các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng GPMB quận huyện tiến hành GPMB, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng…
Trước đây theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp nào có quyết định thu hồi đất thì cấp đó ra quyết định cưỡng chế, gây khó khăn cho các quận huyện trong tổ chức cưỡng chế vì việc ký quyết định cưỡng chế thuộc UBND TP. Đến 2017, Nghị định 01 của Chính phủ có quy định mới là việc ra quyết định này thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện. Nên Sở kiến nghị các quận huyện tổ chức GPMB với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Vân Nga, ông Nguyễn Trọng Đông cho rằng, không có quy định xử phạt hành chính đối với các hành động cản trở công tác Thanh tra, kiểm tra. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan gửi thông báo cho doanh nghiệp. Nếu chậm triển khai sẽ tham mưu cho thành phố thu hồi đất.
Trả lời những nội dung các đại biểu quan tâm về trách nhiệm của Cục Thuế trong việc thực hiện các chế tài, thu thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, ông Mai Sơn, cho biết: 80 dự án đã giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, có 21 dự án đã hoàn chỉnh nghĩa vụ tài chính, 59 dự án nợ tiền thuê đất. Đến nay chỉ còn 4 dự án nợ tiền thuê đất.
Đối với 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thành phố đã có văn bản chỉ đạo chi tiết chỉ đạo cục Thuế phối hợp với các sở ngành liên quan, phân loại các dự án này để có những biện pháp xử lý cụ thể. Qua đó, có 27 dự án thuộc nhóm có nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp với tổng nợ 1.963 tỷ. Trong đó, có nhóm nợ khó thu, có vi phạm pháp luật và nhóm nợ chờ xử lý. Nhóm dự án có khả năng thu là 20 dự án với 1264 tỷ đồng.