Những vụ cháy lớn gây chấn động dư luận thời gian qua như cháy chợ đầu mối Phú Hòa, Bình Dương (8/2013), cháy trung tâm thương mại Hải Dương (9/2013) và gần đây nhất là vụ cháy chợ Phố Hiến (19/3/2014) đã gây thiệt hại không nhỏ cho các tiểu thương. Hà Nội có hàng trăm chợ lớn nhỏ, với lượng người mua bán thuộc hàng đông nhất cả nước, trong khi người mua kẻ bán lại chưa có ý thức phòng chống “bà hỏa”, nên nguy cơ cháy rất cao.
Lơ là phòng cháy
Mặc dù tại Hà Nội đã từng xảy ra nhiều vụ cháy chợ lớn, nhưng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn bị xem nhẹ. Hàng hóa cồng kềnh choán hết lối thoát hiểm, hệ thống PCCC bị vô hiệu, người dân vô tư hút thuốc, đốt lò... là thực trạng đang diễn ra tại nhiều chợ của Thủ đô.
Tiểu thương chủ quan
Hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ ở Hà Nội, đặc biệt là các chợ cóc, chợ tạm rất yếu. Tại khu vực các chợ Nhổn, chợ Thành Công B, chợ Phùng Khoang..., việc chấp hành các quy định về PCCC trong tình trạng đáng báo động. Trong chợ, các quầy kinh doanh sắp xếp tùy tiện, hàng hóa được chất đống nhiều tầng. Trong khi đó, khoảng cách giữa các gian hàng lại hẹp, không có lối thoát hiểm nếu xảy ra cháy.
Hàng hóa bày tràn ra lối đi và lối thoát hiểm tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hoàng Dương |
Tại những chợ này, thiết bị PCCC gồm bình xịt, máy bơm... tuy có nhưng lại đặt lộn xộn hoặc để lẫn với các đồ đạc khác. Chưa kể, trong số đó có nhiều thiết bị đã hoen gỉ, không sử dụng được. Mặt khác, có thiết bị phòng cháy được lắp đặt ở những vị trí bất lợi, khi xảy ra sự cố không thể đáp ứng tức thời việc chữa cháy. Các loại biển báo, nội quy phòng cháy, chữa cháy được treo ở những vị trí khó quan sát...
Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho thấy, tình trạng câu móc, đấu nối điện tùy tiện tại các ki-ốt vẫn diễn ra. Lý giải về điều này, ông Đỗ Việt Phương, Phó Ban quản lý chợ cho biết, các tiểu thương chợ Nghĩa Tân vẫn phải sử dụng nguồn điện trần, không đảm bảo an toàn trong công tác PCCC. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên kế hoạch thay thế đường điện mới vẫn chưa được hoàn thành.
Còn tại những chợ kiên cố, mới được xây dựng, cải tạo thì cơ sở vật chất phòng, chống cháy được quan tâm nhiều hơn. Tuy vậy, sự hạn chế trong ý thức của các tiểu thương; tình trạng lơ là, thiếu cảnh giác của ban quản lý các chợ khiến cho công tác PCCC vẫn đáng lo ngại.
Tại chợ Đồng Xuân, nơi có hơn 2.000 hộ kinh doanh, rút kinh nghiệm từ vụ cháy kinh hoàng năm 1994, chợ đã được đầu tư hệ thống thiết bị chữa cháy hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng, gồm hệ thống chữa cháy tự động, bể chứa 750 m3 nước, 114 họng chữa cháy, gần 700 bình bọt... Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng GĐ Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết: “Hệ thống chữa cháy tự động của chợ Đồng Xuân có thể nhận dạng được khói và nhiệt để tự động phun nước. Hệ thống được kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần và đảm bảo các họng nước luôn luôn có thể phun cao 30 m”.
Ông Thủy cho biết thêm, sau khi có thông tin phản ánh về việc các họng nước và tủ chữa cháy bị các tiểu thương tận dụng thành nơi tập kết hàng hóa hoặc bị vây kín bởi các kiện hàng, ban quản lý chợ đã chấn chỉnh ngay tình trạng này. Do đó, theo khảo sát của phóng viên trong buổi chiều ngày 24/3, hầu hết các họng nước cứu hỏa, bình chữa cháy đã được tách biệt khỏi các quầy hàng của tiểu thương. Tuy vậy, vẫn có những bình cứu hỏa được đặt ở góc khuất, khó quan sát.
Còn tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), nơi đã từng xảy ra vụ cháy lớn vào tháng 12 năm ngoái khiến khoảng 20 ki - ốt bị cháy rụi, nhiều người vẫn đặt bếp đun nấu ngay trong gian hàng chật hẹp, đầy ắp hàng hóa. Có hộ còn đốt hương, vàng mã trong quầy hàng.
Nâng cao ý thức
Qua khảo sát tại các chợ, chúng tôi nhận thấy, không ít tiểu thương phó mặc công tác PCCC cho lực lượng bảo vệ, quản lý chợ. Đặt giả thiết nếu xảy ra cháy, họ cũng không biết cách sử dụng các phương tiện cứu hỏa như thế nào để tự bảo vệ mình và hàng hóa.
Bà Lê Thị Bình, tiểu thương bán thịt lợn 20 năm ở chợ Hà Đông cho hay, năm 2005 chợ đã xảy ra một vụ cháy lớn ở khu bán vàng mã. Sau đó, chợ được xây lại khang trang như hiện nay. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ban quản lý chợ chưa từng tổ chức một khóa huấn luyện, diễn tập PCCC nào cho các tiểu thương mà chỉ thông báo đến các tiểu thương lưu ý phòng cháy.
Tại chợ Đồng Xuân, trung bình mỗi tháng có 50 trường hợp vi phạm về lấn chiếm lối đi và hệ thống PCCC bị xử phạt. Mức phạt từ 200.000 - 700.000 đồng. Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra. Ông Đỗ Xuân Thủy thừa nhận, diện tích chợ quá nhỏ hẹp so với quy mô hàng hóa, trong khi ý thức của các chủ kinh doanh trong PCCC lại chưa cao.
Mặt khác, mặc dù biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc lá được dán khắp nơi trong chợ nhưng vẫn có những khách mua hàng và cả tiểu thương vẫn thản nhiên hút thuốc trong các khu vực bán quần áo, vải vóc. Nếu tàn thuốc rơi ở khu vực có nhiều sợi bông thì nguy cơ xảy ra cháy là rất cao.
Theo ông Thủy, khó khăn hiện nay là ban quản lý chợ không thể trực tiếp xử phạt khách hàng hay khách du lịch hút thuốc lá ở chợ vì không có thẩm quyền phạt. “Còn đối với các hộ kinh doanh, nếu vi phạm quy định hút thuốc, chúng tôi sẽ phê bình, cảnh cáo, lần thứ 3 sẽ đình chỉ kinh doanh”, ông Thủy cho biết.
Những vụ cháy chợ thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho các tiểu thương là công việc bắt buộc của các ban quản lý, giúp họ có thể bảo vệ tài sản của chính mình. “Nhiều người còn phó thác cho đơn vị quản lý vì cho rằng họ đã nộp tiền an ninh trật tự rồi. Thậm chí, họ còn quan niệm, phòng chống cháy nổ là việc của đơn vị quản lý. Chứ không phải là nhiệm cụ của các tiểu thương”, ông Thủy nói.
Hoàng Dương - Thu Hồng - Tiến Hiếu