Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, trên địa bàn Thủ đô xuất hiện nhiều trận mưa có cường độ lớn, các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h thì cơ bản sẽ không úng ngập, có thể có một vài vị trí ứ đọng nước do địa hình trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố; Các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/h sẽ tồn tại 11 điểm úng ngập; Các trận mưa có lượng mưa trên 70mm/h, mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống thoát nước sẽ phát sinh thêm 19 điểm úng ngập.
Lý giải nguyên nhân và những khó khăn gây nên hiện tượng úng ngập các địa bàn khi mưa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, khu vực sông Tô Lịch về cơ bản hệ thống thoát nước đã được đầu tư cải tạo nhưng còn nhiều dự án thi công xong chưa thanh thải, bàn giao đưa vào vận hành (gói thầu CP3, CP4 cải tạo cống hoá mương của lưu vực…); nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công chậm tiến độ (đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, gói thầu số 2, cống nước thải Yên Xá…); khu vực đô thị trung tâm có nhiều vị trí trũng thấp cục bộ, hệ thống cống cũ nhỏ xuống cấp, cách xa nguồn tiêu, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh nhiều rác, dầu mỡ chưa qua xử lý…
Tại lưu vực sông Nhuệ, về cơ bản địa bàn thoát nước tự chảy, phụ thuộc mực nước sông Nhuệ. Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ theo quy hoạch, nhất là các trạm bơm đầu mối và hồ điều hoà. Sông Nhuệ chưa được cải tạo, bị vi phạm lấn chiếm, chưa điều tiết được mực nước một cách chủ động (Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành còn hạn chế do vướng công tác giải phóng mặt bằng kênh dẫn La Khê); trong khi đó, tốc độ đô thị hoá cao, một số tuyến đường, dân cư trũng thấp cục bộ, hệ thống thoát nước lạc hậu (Đại lộ Thăng Long…).
Còn tại lưu vực Long Biên, hình thức thoát nước chính là tự chảy ra sông Cầu Bây – Bắc Hưng Hải do ngành Nông nghiệp quản lý, chưa xây dựng được các trạm bơm đầu mối Cự Khối (55m3/s) Gia Thượng (10m3/s) theo quy hoạch nên chưa chủ động điều tiết được mực nước trên hệ thống thoát nước, gây úng ngập tại một số khu vực trũng khi mưa lớn.
Trước thực trạng tồn tại đó, để đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong mùa mưa bão năm 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội tiếp tục tăng cường dự báo, cảnh báo, theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể; duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh mương, sông, hồ điều hòa đồng bộ theo lưu vực gắn với các trọng điểm úng ngập; đẩy mạnh và duy trì việc kiểm soát thường xuyên, giữ mực nước đệm khống chế theo quy định trong mùa mưa trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa qua việc vận hành kịp thời hợp lý các trạm bơm, cửa phai đập, dẫn dòng thi công... điều tiết xong trước mùa mưa.
Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh việc sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm, cửa phai, đập; thi công các công trình cải tạo, sửa chữa, chống úng ngập cục bộ và khắc phục các tồn tại, sự cố trên hệ thống thoát nước; ứng trực 24/24h để giải quyết thoát nước khi mưa; triển khai đầy đủ các giải pháp xử lý cụ thể cho các điểm úng ngập, đọng nước. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong giám sát, điều hành giải quyết thoát nước của Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước thành phố do công ty quản lý; phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty thủy lợi và chính quyền địa phương trong công tác vận hành kịp thời hệ thống tiêu thoát nước nông nghiệp, giải quyết thoát nước ngõ xóm…
Đến hết tháng 4/2024, công ty đã nạo vét gần 100.000 lần cống ngang ga thu, hơn 11.310m3 bùn cống ngầm thủ công, hơn 178,760 km cống cơ giới, hơn 81.090 m3 bùn mương sông, hồ; bảo dưỡng sửa chữa toàn bộ 56 trạm bơm cố định, thi công 29 công trình cải tạo thoát nước…
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác thoát nước mùa mưa năm 2024 trên địa bàn Thủ đô, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa bão trên địa bàn thành phố để nhân dân nắm bắt kịp thời có các biện pháp phòng chống đảm bảo an toàn; Đồng thời tuyên truyền chia sẻ sự khó khăn, vất vả của công nhân thoát nước, tích cực nêu gương, động viên các tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, nhất là công tác ứng trực, xử lý úng ngập khi mưa bão. Mặt khác, cũng phê phán những hành vi vi phạm lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước, xả rác phế thải, dầu mỡ… ra hệ thống thoát nước cũng như việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng để nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác thoát nước và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, do công tác thoát nước, phòng chống úng ngập của thành phố còn nhiều khó khăn gây áp lực lớn cho hệ thống thoát nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội rất cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị và nhân dân.
Đối với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án hạ tầng thoát nước cần đảm bảo nghiêm công tác dẫn dòng thi công trong mùa mưa, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và bàn giao hạ tầng thoát nước sau khi hoàn thành.