Nguyên nhân do một phần nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp. Song, điều đáng nói chính là việc giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng hệ thống điện tại một số nơi ở Hà Nội lại đang gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đảm bảo tính pháp lý Công nhân Điện lực Thủ đô kéo cáp, bổ sung nguồn cấp điện cho khu dân cư. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Huyện Phú Xuyên mặc dù có nhu cầu sử dụng điện rất cao do địa phương này đang phát triển, hiều làng nghề truyền thống cùng nhiều khu cụm công nghiệp đang được mở ra. Để đáp ứng nhu cầu điện cho các huyện Phú Xuyên cũng như các địa bàn lân cận, UBND thành phố Hà Nội đã quy hoạch xây dựng trạm biến áp (TBA) 110kV tại cánh đồng Chéo B, tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên.
Đây là dự án trọng điểm của thành phố, phục vụ đời sống dân sinh của huyện Phú Xuyên nói riêng và các khu vực lân cận nói chung. Quy hoạch trạm điện trên đúng với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mặc dù vậy, khi đơn vị triển khai các công việc để đầu tư xây dựng lại vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Người dân cho rằng, TBA được xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, cháy nổ, sấm sét...
Ban đầu, trạm được đặt gần khu dân cư nhưng do phản ánh của người dân, thành phố Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo bảo cách ly so với khu dân cư là 200m. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phản đối và đưa ra đòi hỏi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật hiện hành về việc xây dựng TBA điện.
Tại quận Hoàng Mai cũng gặp phải khó khăn khi xây mới những TBA, cột điện. Nguyên nhân là do nhiều đường phố ở đây chật hẹp, có nơi chỉ rộng khoảng 2m, vì thế việc tìm địa điểm đặt trạm là một không hề đơn giản.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Điện lực Hoàng Mai, dù nhiều nơi rất có nhu cầu phát triển lưới điện, tăng cường đường dây dẫn điện nhưng khi tiến hành khảo sát lắp đặt TBA hay cột điện thì lại gặp phải sự phản đối của người dân vìcho rằng, đường nhỏ hẹp mà đặt cột chiếm hết đường đi.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) thừa nhận thường xuyên nhận được báo cáo gặp của công ty điện lực các quận, huyện về việc khó khăn khi tiến hành tìm địa điểm đặt hạ tầng điện.
Công tác lựa chọn vị trí TBA, hướng tuyến đường dây thường liên quan tới công tác đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn tới thời gian đầu tư kéo dài. Có dự án kéo dài 5- 7 năm như dự án TBA 220kV Thành Công - Tây Hồ và các đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công, Chèm Tây Hồ, được xây dựng từ năm 2002 đến năm 2015 mới hoàn thành.
Nói về tính pháp lý khi lắp đặt hạ tầng điện, đại diện lãnh đạo EVNHANOI cho biết, trước khi đầu tư mỗi dự án theo quy định, EVNHANOI đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có tham vấn tại địa phương, được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thẩm định, Sở Tài nguyên - Môi trường phê duyệt, cấp phép. Như vậy, về pháp lý là hoàn toàn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo số liệu quan trắc thực tế, điện trường trong các TBA 110 kV trên địa bàn Thủ đô trung bình chỉ khoảng 56V/m; thấp hơn rất nhiều so với 5000V/m theo quy định tại Điều 7 Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực.
Còn với các số liệu quan trắc thực tế, cường độ điện trường của các thiết bị điện là hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân khi canh tác hoặc sinh hoạt xung quanh hàng rào trạm; nhất là với thiết kế của TBA 110 kV Phú Xuyên, có tường rào trạm cao 5,5m so với cốt hiện trạng đất canh tác xung quanh, nên sẽ không ảnh hưởng gì tới đời sống, sinh hoạt của người dân quanh khu vực.
Không thể trì hoãn Công nhân Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm lắp đặt máy biến áp. |
Dù còn gặp khó khăn về việc tìm địa điểm đặt hạ tầng điện, nhưng trước đòi hỏi từ thực tế về nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương nên ngành điện Thủ đô không thể trì hoãn việc triển khai.
Giám đốc công ty Điện lực Phú Xuyên Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay ở Hà Nội duy nhất còn huyện Phú Xuyên chưa có TBA 110kV nên phải phụ thuộc vào TBA 110kV Tía (ở huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong khi đó trạm 110kV Tía cũng đang trong tình trạng đầy tải.
Bên cạnh đó, 7 lộ đường dây trung thế truyền tải điện từ TBA 110kV Tía về Phú Xuyên có bán kính cấp điện từ 20 - 30km, đặc biệt có lộ đường dây dài gần 40km. Do chiều dài bán kính đường dây lớn khiến chất lượng điện áp không ổn định, công tác xử lý sự cố thường bị kéo dài gây ảnh hưởng cho việc cung cấp điện cũng như độ tin cậy lưới điện. Vì thế, việc triển khai dự án là rất cấp thiết, không thể trì hoãn hơn được nữa.
Dẫn chứng về việc đặt TBA tại địa phương không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ông Đào Hồng Thái Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ, từ trước năm 1990 cách khu dân cư thôn Tử Dương khoảng 100m, nhà nước đặt TBA 110kV Tía. Từ đó đến nay, địa phương chưa chứng kiến cảnh cháy nổ hay ảnh hưởng đến môi trường từ TBA Tía, nhiều nhà dân lân cận trạm vẫn sinh sống phát triển ổn định.
Do vậy, với những trường hợp đầy đủ tính pháp lý, đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì các cấp chính quyền phải quyết liệt vị trí TBA, không thể để chỉ vì một vài hộ dân phải đối mà cả khu vực phải dùng điện với chất lượng thấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng.
Để tháo gỡ khó khăn về địa điểm đặt hạ tầng điện, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVN HANOI kiến nghị, thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện sớm cập nhật vị trí trạm, hướng tuyến đường dây vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ngành điện lực trong việc phát triển hạ tầng lưới điện, ưu tiên trong công tác giải phóng mặt bằng, hướng tuyến đường dây, nhất là đối với các công trình quan trọng, cấp bách, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cũng như sự phát triển của người dân Thủ đô.