Hà Nội giãn cách toàn thành phố, người dân đi rút thẻ ATM có bị xử phạt?

TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 24/7. Nhiều người dân băn khoăn: Nếu hết tiền mua lương thực, các cá nhân có được ra ngân hàng hoặc cây ATM để rút tiền mua nhu yếu phẩm hay không?

Chú thích ảnh
Công an phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) tăng cường kiểm tra những người ra đường sáng 26/7. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 26/7, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Mặc dù Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ không quy định cụ thể về việc người dân được đến ngân hàng rút tiền nhưng vẫn quy định, ngân hàng được phép hoạt động. Vì vậy, người dân đến ngân hàng giao dịch hoặc ra cây ATM rút tiền để mua thực phẩm là lý do chính đáng, sẽ không bị xử phạt”.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, tuy nhiên, nếu người dân vin vào các lý do trên để ra đường không đúng quy định hoặc trường hợp không thật sự cần thiết, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh thì sẽ bị xử lý theo quy định, mức phạt có thể lên đến 3.000.000 đồng.

Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ: Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Trên tinh thần của Chỉ thị, hạn chế số người ra đường, hạn chế việc tiếp xúc tập trung đông người. Vì vậy, nếu một người đi siêu thị mua thực phẩm thì được phép nhưng chở nhau đi bằng phương tiện ô tô, xe máy (trên 2 người) là vi phạm. Theo đó, một người sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với mức phạt có thể đến 3.000.000 đồng. "Nếu cứ mỗi người được phép ra đường lại kèm theo một người lái xe nữa sẽ không đảm bảo an toàn về giãn cách xã hội, không đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa số người được phép ra đường và có thể ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh. Điều quan trọng nhất là người dân cần nghiêm túc thực hiện các quy định giãn cách, tránh lợi dụng lý do thiết yếu để ra ngoài làm việc khác. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về giãn cách xã hội
Giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về giãn cách xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký ban hành công văn khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt tại các đường ngang, lối tắt vào địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN