Hà Nội còn 173 bãi chứa vật liệu xây dựng trái phép

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 173 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động trái phép với tổng diện tích 148,23 ha.

Hoạt động của các bến bãi đều vi phạm Luật Đê điều. Đặc biệt, việc chủ bãi cho sử dụng ô tô tải trọng lớn vận chuyển cát sỏi dẫn đến nhiều tuyến đê trên địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ba Vì đang bị hư hỏng nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát diễn ra nghiêm trọng trong thời gian vừa qua là do lợi dụng địa bàn giáp ranh, trước đây nhiều tàu, thuyền thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và một số tàu, thuyền của doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy bất chấp quy định pháp luật để khai thác cát trái phép.

Đáng nói, nhiều phương tiện tàu, thuyền không tên, không số hoặc liên doanh, liên kết khai thác cát không đúng quy định. Bên cạnh đó, trong các quy định liên quan về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên các cơ quan bảo vệ pháp luật gặp khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm...

Qua công tác điều tra cơ bản, Công an thành phố xác định trên địa bàn Hà Nội còn 82 tụ điểm phức tạp về mua - bán cát, sử dụng đất đai, chấp hành quy định bảo vệ môi trường… tập trung tại 17 quận, huyện, thị xã… 

Một bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên lòng đường Hào Nam. Ảnh Bùi Tường/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Công an huyện đã xác định trên địa bàn còn 6 tụ điểm phức tạp về kinh doanh cát sỏi, sử dụng đất đai… tại các xã Thọ An, Thọ Xuân, Liên Hà, Liên Trung. Tại các tụ điểm này có dấu hiệu của việc mua - bán "cát bẩn", không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Xã Liên Hà có hai điểm “nóng”; trong đó, Công ty cổ phần xây dựng và du lịch thương mại Tuấn Quỳnh đã tự ý sử dụng 1.299m2, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hiếu Hưng sử dụng 2.240 m2 đất mái kè Liên Trì, đất hành lang bảo vệ đê để tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng...

Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tại Hà Nội, cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép khai thác bãi nổi, song tại 5 tỉnh giáp ranh Thủ đô lại cấp giấy phép cho 19 tổ chức khai thác cát lòng sông.

Những năm qua, do các địa phương chưa làm tốt công tác phân định mốc giới nên có tỉnh đã cấp giấy phép khai thác cát ở địa giới của Hà Nội, điển hình là địa bàn huyện Phúc Thọ. Ở địa bàn giáp ranh, cơ quan công an khó kiểm tra, bắt giữ tàu, thuyền khai thác cát trái phép vì thiếu thiết bị định vị, đối tượng thường trốn tránh bằng cách di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác...
 
Đối với hoạt động nạo vét luồng đường thủy, tận thu sản phẩm, Thượng tá Phùng Quang Hiển cho biết thêm, Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 quy định về nạo vét luồng đường thủy, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm tồn tại nhiều bất cập, gây khó cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo quy định, các tổ chức thực hiện nạo vét luồng đường thủy, vùng nước cảng… phải báo cáo định kỳ sản lượng nạo vét thu hồi sản phẩm với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản giao rõ trách nhiệm cơ quan nào thực hiện việc kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng cát thu hồi…

P.A (TTXVN)
Phát hiện chất gây ung thư trong vật liệu xây dựng nhập từ Trung Quốc
Phát hiện chất gây ung thư trong vật liệu xây dựng nhập từ Trung Quốc

Một công trình xây dựng trị giá 1,2 tỷ AUD (gần 910 triệu USD) mới khánh thành ở thành phố Perth, bang Tây Australia, vừa bị phát hiện có chất gây ung thư Ábestos (amiăng) trong nguyên vật liệu xây dựng do một công ty Trung Quốc cung cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN