Hà Nam tập trung xử lý sự cố sạt lở đê bối sông Nhuệ

Chiều 5/1, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị bàn các giải pháp xử lý sự cố sạt lở đê bối sông Nhuệ, thành phố Phủ Lý.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng phát biểu chỉ đạo các biện pháp xử lý sự cố sạt lở đê bối sông Nhuệ. 

Theo ông Trương Quốc Bảo, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, khoảng 8 giờ ngày 1/1/2023, tuyến đê bối sông Nhuệ, thuộc địa bàn thôn 3, xã Phù Vân đã xảy ra sạt lở bờ tại khu vực có 18 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 7 hộ trực tiếp bị ảnh hưởng. Sạt lở đã gây thiệt hại về tài sản gồm 1 ngôi nhà 2 tầng, 4 ngôi nhà 1 tầng bị nứt có nguy cơ sạt trượt, toàn bộ các công trình phụ như bếp, nhà tắm, chuồng trại, bể nước bị sạt lở xuống sông; rất may không có thiệt hại về người. Hiện nay, mực nước sông đã dâng cao đến chân các công trình, gây nguy cơ cao sạt trượt về phía sông, ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến đê bối.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UNBD tỉnh Hà Nam, UBND thành phố Phủ Lý tặng quà động viên các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố sạt lở đê bối sông Nhuệ.

Ngay sau khi nhận được báo cáo về sự cố, các lực lượng chức năng thành phố Phủ Lý và xã Phù Vân đã hỗ trợ di chuyển người, tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; bố trí nơi ở cho các hộ cần hỗ trợ; đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ người dân ổn định đời sống; tổ chức căng dây khoanh vùng khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, cấm các phương tiện giao thông đi gần khu vực sạt lở.

UBND thành phố Phủ Lý đã chỉ đạo Công an thành phố bố trí lực lượng đảm bảo an ninh không để người dân tự ý ra vào khu vực sạt lở, kể cả các hộ thuộc diện phải di chuyển; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã Phù Vân tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực lân cận để đánh giá các nguy cơ mất an toàn và đề xuất phương án xử lý.

Chú thích ảnh
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã căng dây khoanh vùng khu vực nguy hiểm. 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng yêu cầu, để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tuyến đê bối sông Nhuệ và kịp thời xử lý dứt điểm sự cố sạt lở, UBND thành phố Phủ Lý tổ chức tháo dỡ các công trình của những hộ dân ở vị trí không đảm bảo an toàn để hạn chế sạt lở lan rộng; việc tháo dỡ, kiểm đếm tài sản cần đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. UBND thành phố Phủ Lý thực hiện thu hồi đất đối với 7 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời bố trí đất tái định cư cho các hộ theo quy định; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện việc khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại cũng như nguy cơ mất an toàn của tuyến đê bối để đề xuất phương án hỗ trợ, xử lý phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt Luật Đê điều.

Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đã đi kiểm tra thực tế khu vực sạt lở, thăm hỏi, động viên, tặng quà 7 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố sạt lở đê bối sông Nhuệ.

Tin, ảnh: Nguyễn Chinh  (TTXVN)
Sóc Trăng khắc phục sạt lở đê biển ở Vĩnh Châu
Sóc Trăng khắc phục sạt lở đê biển ở Vĩnh Châu

Theo ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của triều cường dâng cao, kèm theo gió mạnh, sóng lớn, đã gây sạt lở và nguy cơ sạt lở nhiều khu vực bờ biển và đê biển ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu; trong đó, đoạn đầu K41 sạt lở khoảng 10m, đoạn cuối K41 sạt lở khoảng 30m và đoạn cuối K43 sạt lở khoảng 50m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN