Hà Nam: Khắc phục hậu quả mưa lũ, kịp thời xử lý các sự cố đê điều

Những ngày qua, địa bàn tỉnh Hà Nam đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, nước lũ trên các sông thuộc địa bàn tỉnh dâng cao gây ngập lụt tại một số huyện, thành phố, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh và gây ra nhiều sự cố trên hệ thống công trình thủy lợi, đê điều của tỉnh.

Chú thích ảnh
Người dân ở xã Đinh Xá phải đi lại bằng thuyền do ngập lụt trong những ngày qua. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Theo tổng hợp từ Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh đã có trên 770 ha lúa bị ngập úng, trong đó 169 ha bị mất trắng, 368 ha phải dặm tỉa lại. Hơn 880 ha cây màu, chủ yếu là cây ngô, rau đậu các loại trồng trên đất bãi các xã ven sông Đáy, sông Hồng và sông Châu Giang bị ảnh hưởng.

Hơn 115 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó bị ngập hoàn toàn là 111 ha, bị tràn bờ 4,2 ha; sản lượng thủy sản thiệt hại là gần 440 tấn.

Mưa úng khiến thành phố Phủ Lý phải tổ chức di dời dân và tài sản trong vùng ngập đến nơi an toàn, cụ thể: Xã Đinh Xá có 200 hộ, phường Lê Hồng Phong 40 hộ và xã Tiên Tân có 8 hộ. Một số sự cố về đê điều đã xảy ra như: tràn đê bối Đồng Sơn; rò rỉ đê bối Đại Bái tại; rò rỉ, tràn bối Đinh Xá…

Để khắc phục hậu quả mưa lũ, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các nhà thầu, các công ty khai thác công trình công thủy lợi và địa phương huy động nhân lực, vật lực, phương tiện bơm nước cứu lúa và hoa màu, xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ, tràn, sạt lở đê bối, kè; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung gieo cấy, dặm tỉa, chăm sóc lúa; bảo vệ đàn vật nuôi, thuỷ sản; vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, khu đô thị, nguồn nước sinh hoạt...

Hiện nay, mực nước lũ trên sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam đang lên trở lại, ngày 31/7, ở mức xấp xỉ báo động III. Tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương tổ chức ứng trực, kịp thời khắc phục các tình huống, sự cố đê điều.

Trong trường hợp nước sông dâng cao quá công trình thiết kế, các địa phương có phương án gia cố, bảo vệ an toàn đê bối, hạn chế mức thấp nhất nước tràn vào khu dân cư gây thiệt hại về tài sản và các diện tích cây trồng của nhân dân.

Nguyễn Chinh (TTXVN)
Huyện Chương Mỹ ra công văn hỏa tốc về tình hình ngập lụt
Huyện Chương Mỹ ra công văn hỏa tốc về tình hình ngập lụt

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, ngập úng trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chưa công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời nắm bắt có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ, lở. Rà soát, chủ động triển khai phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng ngập úng khi có chủ trương, phương án sơ tán dân phải cụ thể, rõ ràng và đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân khi sơ tán đến địa điểm mới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN