Giúp người lao động tại Gia Lai hạn chế rủi ro khi tìm việc làm

Mới đây, tỉnh Gia Lai có 9 lao động là thanh niên người dân tộc thiểu số bị lừa đảo khi tìm việc. Để ngăn chặn tình trạng bị lừa đảo khi tìm việc, đặc biệt là đối với lao động người dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người dân có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định trên chính quê hương mình.

Chú thích ảnh
Thanh niên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa học nghề tại lớp đào tạo nghề nông thôn. 

Tăng cường hướng nghiệp, đào tạo nghề

Với mục đích ngăn chặn tình trạng lao động trên địa bàn bị lừa đảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định tuyển dụng, sử dụng lao động, cũng như tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động nắm bắt, tìm việc, hạn chế tình trạng người lao động tìm việc qua kênh không chính thống, ngăn ngừa rủi ro cho người lao động.

Nhằm giúp người lao động nâng cao cảnh giác trước các hoạt động lừa đảo tuyển dụng lao động, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển dụng lao động để lừa đảo người dân.

Sáu tháng qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu trên 20 doanh nghiệp đến địa phương để tư vấn, tuyển dụng lao động, trong đó có trên 15 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn 46 lao động làm hồ sơ thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc. Toàn tỉnh đã có 470 lao động được các doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập kênh thông tin trao đổi về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo của các doanh nghiệp, đăng tải cho học viên và người lao động nắm bắt, đăng ký tham gia. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã thu thập thông tin việc làm trống của 355 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh với gần 6.000 vị trí việc làm, sau đó đăng tải trên cổng thông tin điện tử và fanpage của Trung tâm để người lao động nắm bắt được thông tin.

Để lao động nông thôn tiếp cận được với các thông tin việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa điểm có đông người lao động. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, 1 hội chợ việc làm, 2 phiên tư vấn dịch vụ việc làm tại phiên chợ nông sản, 3 phiên tư vấn cho bộ đội xuất ngũ và 7 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm, qua đó đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 lượt người, gần 600 lao động tìm được việc làm.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, Sở thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển kinh tế. Sáu tháng đầu năm 2022, hơn 36.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong năm 2022, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ có khoảng 40 tỷ đồng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để phát triển kinh tế.

Tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo, định hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; đồng thời tập trung đào tạo các ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu, như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng tái tạo...

Nhân rộng mô hình đào tạo nghề lao động nông thôn

Tuy còn những khó khăn, bất cập, nhưng tỉnh Gia Lai đã có những quyết sách cụ thể, nhiều địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề nông thôn với mục tiêu hạn chế tình trạng lao động địa phương bị lừa đảo khi tìm việc làm. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang là một điển hình trong công tác đào tạo nghề nông thôn thời gian qua.

Chú thích ảnh
Vườn rau an toàn của các học viên sau lớp trồng rau an toàn tại thôn 4, xã Kông Bla, huyện Kbang (Gia Lai) vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa bán kiếm thêm thu nhập.

Ông Dương Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang cho biết, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 76 lớp với gần 2.100 học viên, trong đó có gần 1.700 học viên người dân tộc thiểu số với các ngành nông nghiệp, phi nông nghiệp. Học viên các ngành nông nghiệp sau khi được đào tạo nghề đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất; áp dụng những kiến thức được trang bị vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi để phần nào giảm bớt chi phí do thuê, mướn bên ngoài. Học viên ngành nghề phi nông nghiệp (nề, sửa chữa máy cày công suất nhỏ) sau đào tạo đã biết vận dụng kiến thức để tự sửa chữa, xây dựng trong gia đình. Một số nhóm thợ đã tự xây dựng được nhà cửa cho người dân trong vùng, hàng rào, xây công trình phụ, nhà kho, chuồng heo, chuồng gà; tự sửa chữa các lỗi nhỏ trong máy cắt cỏ, máy bơm... Đặc biệt, một số học viên đã tham gia đội thợ xây dựng các công trình phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia tại làng, xã, như: Đội thợ xây dựng nhà vệ sinh cho hộ dân theo chương trình nông thôn mới xã Kon Pne, đội thợ nhà thầu xây dựng làng Mơ Hven-Ô, xã Kông Lơng Khơng...

Tháng 7 này, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang bế mạc 2 lớp đào tạo nghề nông thôn là lớp trồng rau an toàn và lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ.

Chị Đinh Thị Tạt, thôn 4, xã Kong Bla, huyện Kbang vừa nhận chứng chỉ hoàn thành lớp trồng rau an toàn, cho biết: Trước đây, chưa có kiến thức trồng rau, người dân trong làng mua rau ngoài chợ về ăn, không đảm bảo an toàn, có lúc còn bị ngộ độc thực phẩm. Từ khi tham gia lớp học, các thầy, cô giáo đã hướng dẫn 30 chị em trong thôn biết cách trồng, chăm sóc rau an toàn. Một số hộ đã mở rộng diện tích trồng rau, bán cho thương lái, tăng thêm thu nhập.

Anh Đinh Thách, Bí thư Chi đoàn Thôn 3, xã Kong Bla, huyện Kbang vừa hoàn thành lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ cùng 35 học viên là thanh niên trong thôn. Mục đích tham gia lớp học của anh và những thanh niên trong thôn là để có thể sửa chữa máy móc của gia đình vì mỗi lần máy hư hỏng gọi thợ sửa vừa mất thời gian chờ đợi lại vừa tốn tiền. Anh Thách cho biết lớp học đã tạo cơ hội có việc làm cho nhiều thanh niên trong làng. Sau những khóa học, nhiều thanh niên đã mua thêm máy móc để hành nghề và có thêm thu nhập cho gia đình, không còn đi làm thuê xa nhà như trước.

Nhiều xã trong huyện Kbang đang hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Về xã Kong Lơng Khơng, nhiều ngôi nhà đang được hoàn thiện từ chính học viên nghề nề của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kbang thực hiện.

Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn tại các làng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ngay tại thành phố Pleiku, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, câu lạc bộ vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, như các câu lạc bộ dệt, đan lát, tạc tượng, nhạc cụ dân tộc và hợp tác xã du lịch cộng đồng... để có thêm thu nhập cho người dân.

Đầu tháng 7/2022, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku được thành lập với 23 nghệ nhân tham gia; cuối tháng 6/2022, Câu lạc bộ tạc tượng gỗ dân gian thành phố Pleiku cũng được thành lập với 15 nghệ nhân tham gia...

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh khẳng định, với nhiều nỗ lực, chính quyền tỉnh tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả về đào tạo nghề lao động nông thôn. Những lớp đào tạo này bên cạnh việc cung cấp những kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản, đội ngũ giáo viên còn kết hợp lồng ghép, phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.

Hồng Điệp (TTXVN)
Học ngành khoa học xã hội ra trường có dễ tìm việc làm và lương cao?
Học ngành khoa học xã hội ra trường có dễ tìm việc làm và lương cao?

Đa số phụ huynh đều mong muốn con mình được vào một trường Đại học tốt, khi ra trường có việc làm ổn định và lương cao. Tuy nhiên, có một ngành học mà nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn nhiều nhất, đó là ngành Khoa học xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN