Giữ vững tăng trưởng xuất khẩu

Phải đối mặt với nhiều khó khăn từ thị trường khu vực và thế giới, tuy nhiên, nhìn vào bức tranh xuất khẩu năm 2013 của cả nước với 22 mặt hàng xuất khẩu vượt kim ngạch 1 tỷ USD, cho thấy nỗ lực của các ngành hàng và doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Nhân dịp năm mới 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những triển vọng và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu năm 2014.

 


Xin ông cho biết những giải pháp của Bộ Công Thương để tiếp tục duy trì thành tích xuất khẩu trong năm 2014?


Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng trong năm 2013. Mặc dù trong năm qua, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng xuất khẩu tăng khá như nhân điều, hạt tiêu, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử thì kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng khác như điện thoại di động và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm từ gỗ... đã tăng mạnh. Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất và cơ cấu hàng xuất khẩu ngày càng được mở rộng và chuyển dịch theo hướng tích cực.


Mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhưng nhìn chung, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu chậm được cải thiện. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chậm, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Điều này cho thấy, tăng trưởng vẫn còn theo xu hướng chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh sẵn có, chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn.


Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước sẽ khoảng 145,4 tỷ USD và nhập siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm giải pháp sau:


Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Trong đó, tập trung giải quyết bài toán vốn và lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn và một số ngành hàng khác như dệt may, da giày.


Thứ hai, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh... đồng thời có các giải pháp linh hoạt nhằm tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.


Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đàm phán các hiệp định FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng được tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

 

Việt Nam đứng trước cơ hội ký kết Hiệp định Kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông có cho rằng, đây là cơ hội quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu?


TPP là hiệp định thương mại tự do lớn với phạm vi và mức độ cam kết rộng và sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia cho đến nay, tạo ra sân chơi với các nước đóng góp 40% GDP toàn cầu và chiếm 1/3 kim ngạch thương mại thế giới. Do đó, thông qua hiệp định này, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.


Nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế từ TPP, các cơ quan của Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ... để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn. Trong đó, cần chú trọng xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế phát triển như dệt may, giày dép... cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng các yêu cầu khá cao và phức tạp về quy tắc xuất xứ...


Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thông tin về hiệp định, về cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực...


Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Thu Hường(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN