Ý tưởng về một “CNN Việt Nam” đã được nung nấu từ lâu trong những người làm báo TTXVN. Cái “ý tưởng” tưởng như hoang đường ấy thực ra được xây dựng trên những luận cứ khoa học và logic. Khoa học ở chỗ với sự phát triển không ngưng nghỉ của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng đã biến đổi sâu sắc. Vậy thì tại sao không chuyển hóa phương thức cung cấp thông tin để công chúng có thể tiếp cận nó ở cái cách nhanh nhất có thể. Còn logic ở chỗ, liệu có phương tiện nào có thể chuyển tải thông tin hấp dẫn hơn truyền hình khi người ta có thể tiếp nhận cả hình ảnh, âm thanh sống động của sự kiện lẫn những bình luận chuẩn xác, sâu sắc của người đưa tin.
Song, xem ra giữa ý tưởng, ước muốn và hiện thực là một khoảng cách không dễ san lấp.
Ban đầu là những trở ngại về dư luận ngoài luồng. Người thì cho rằng hà cớ gì mà TTXVN lại đi làm truyền hình khi đã có hàng chục kênh thông tin, giải trí? Không khéo truyền hình sẽ chỉ là cái “máy ngốn tiền”; Bao giờ mới có nổi một đội ngũ nhà báo truyền hình chuyên nghiệp khi mà TTXVN vốn chỉ giỏi viết và chụp ảnh?… Rồi ngay cả những chuyên gia về truyền hình cũng nhỏ to mách bảo, nếu không khẳng định được ngay từ phút đầu hiện diện, chỉ một thời gian sau khi xem vì tò mò, khán giả quay lưng lại là coi như hết “khách”.
Những câu hỏi hóc búa, dồn dập khiến cho không khí những cuộc họp trước giờ lên sóng, lúc sôi sục, lúc trầm mặc lo lắng. Và cả những ánh mắt nghi ngại, những cái lắc đầu “ái ngại” cho những kẻ dám “biến ước mơ thành hiện thực”.
Thế rồi tràng vỗ tay khích lệ của những cán bộ chủ chốt TTXVN vào buổi chiều ngày 19/6/2010 khi kết thúc buổi tổng duyệt phát sóng thử nghiệm kênh, đã trở thành mệnh lệnh dứt khoát cho quyết tâm “biến ước mơ thành hiện thực” của đội ngũ những người làm truyền hình thông tấn.
Và rồi, sau hơn 9 tháng chuẩn bị cật lực kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép TTXVN xây dựng kênh truyền hình tin tức, đúng dịp 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Truyền hình Thông tấn đã lên sóng thử nghiệm, để rồi cũng chỉ hơn hai tháng sau, vào đúng “Giờ Vàng” - 18 giờ - ngày 25/8 chính thức ra mắt và vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút phát sóng.
Bước qua những băn khoăn nghi ngại, vượt lên ngàn vạn sự khó khăn. Để có được thời khắc vàng ấy, là không thể kể ra hết sự “khởi đầu nan” bằng câu từ. Và trong tiết trời đại thử của Hà thành năm Canh Dần ấy, những phóng viên, quay phim, biên tập, đầu đội mũ bảo hiểm, vai vác camera, xông xáo trên những xe máy cà tàng, để tìm khuôn hình, làm phỏng vấn... dẫu có chút nhọc nhằn, nhưng đổi lại quãng thời gian 60 ngày lên sóng thử nghiệm thành công, “thuyết phục” được lãnh đạo cơ quan thông tấn quyết định phát sóng chính thức.
Ngày 21/6/2010, Truyền hình Thông tấn phát thử nghiệm và từ 18 giờ 00 ngày 25/8/2010 đã chính thức ra mắt. Đến nay, Truyền hình Thông tấn được phát trên các hệ thống Truyền hình Cáp tại gần 40 tỉnh, thành phố trong cả nước; Truyền hình số vệ tinh K+ phủ sống toàn lãnh thổ Việt Nam và một số nước láng giềng như Lào và CPC…; Truyền hình tương tác qua mạng Internet (IPTV) trên hệ thống kênh My TV của VNPT và ITV của FPT; Trên dịch vụ MobileTV trên điện thoại di động cho các thuê bao Mobifone và Vinaphone; và Truyền hình trực tuyến tại địa chỉ web: http://vnews.vnanet.vn |
Giờ thì khán giả nhiều người cũng đã thuộc trong đầu những tên chuyên mục: “Phản hồi”, “Lăng kính phóng viên”, “Rađa văn hóa”, “Nhịp cầu cộng đồng”... Đã tập thói quen cứ đến đầu mỗi giờ cầm chiếc điều khiển tivi để bật xem bản tin đầu giờ của Truyền hình Thông tấn; đã nhớ những sự kiện làm theo phong cách “breaking news” với những sự kiện chấn động thế giới ở Bắc Phi, thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản, hay những vụ tai nạn Cầu Ghềnh, tàu Dìn Ký vv… Các fan của VNews cũng đã bắt đầu thuộc tên những người dẫn chương trình tự tin. Mấy ai biết, trước đó chưa lâu, các MC ấy còn là những phóng viên báo viết, rời bàn phím laptop và chiếc máy ảnh để làm quen với ống kính truyền hình, vừa theo tiếng gọi đam mê, vừa thực hiện chủ trương “chi viện” điều chuyển cán bộ cho kênh truyền hình. Mà sự “chi viện” của các ban biên tập, tòa soạn, phân xã trong nước, ngoài nước với Trung tâm Truyền hình không chỉ có nhân lực, mà cả sự chung sức chung lòng, cùng vào cuộc.
Trong phòng họp giao ban của Trung tâm Truyền hình, ở vào vị trí dễ nhìn, có treo bức họa “Đôn Kikhôtê”. Những người làm truyền hình thông tấn nói vui, phải có tinh thần lạc quan và lãng mạn của chàng hiệp sĩ Kikhôtê, coi thử thách của làm báo truyền hình như chiếc “cối xay gió”, để chẳng quản “gian nguy” mà lao vào chinh phục.
Một năm nhìn lại, những gì làm được mới chỉ là bước khởi đầu. Có được “Giờ Vàng” nhờ vào sự quyết đoán, đồng lòng. Nhưng để mỗi phút, mỗi giờ phát sóng thực sự hữu ích, trân trọng với người xem, như slogan “chuẩn xác, kịp thời, mọi nơi, mọi lúc”, chắc chắn rằng tập thể những người làm Truyền hình Thông tấn còn nhiều việc phải làm, vì một tương lai phát triển vững chắc, để cùng với các loại hình thông tin truyền thống, tạo nên vị thế Tập đoàn Truyền thông Thông tấn Việt Nam.
Hoàng Giang