Tình trạng ô nhiễm ở hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã chính thức giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, chủ trì phối hợp với UBND huyện Tân Châu, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực bến Cửu Long đầu nguồn hồ Dầu Tiếng.
Việc làm này nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường do các nguồn xả thải gây ra, từ đó, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp kiểm tra, xử lý theo quy định. Các doanh nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền tải số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh: Khu vực đầu nguồn hồ Dầu Tiếng (bến Cửu Long, thuộc ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) là hạ nguồn của 3 nhánh suối gồm suối Tà Ly, suối Tà Ôn và suối Ngô. Dọc các con suối này hiện có 8 nhà máy chế biến tinh bột mì (sắn) và 4 nhà máy chế biến cao su đang hoạt động với tổng lưu lượng xả nước thải ra suối là 17.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, trên thượng nguồn sông Sài Gòn (cũng là thượng nguồn hồ Dầu Tiếng) thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cũng có 5 doanh nghiệp đang hoạt động gồm: Một nhà máy chế biến cao su (Công ty Cổ phần Việt Sing), 1 nhà máy chế biến tinh bột mì (Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại- Sản xuất Wussons) và 3 trang trại chăn nuôi lợn có nguồn xả thải rất lớn ra sông Sài Gòn. Từ con sông này, nguồn nước đổ về thượng nguồn hồ Dầu Tiếng.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột mì và cao su nằm dọc theo sông suối, thượng nguồn hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh đạt loại A trước khi xả ra môi trường. Nhưng khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng hiện vẫn ô nhiễm rất nghiêm trọng. Đó là do nguồn thải tích tụ từ những năm trước. Cộng thêm việc một số cơ sở vẫn lén lút xả nước thải không qua khâu xử lý (do khâu này tốn rất nhiều chi phí), nguồn xả thải mới và xác động vật (lợn chết) bị vứt bừa bãi xuống sông suối (được người dân phát hiện gần đây) từ các cơ sở bên Bình Phước chảy sang, gây ô nhiễm. Theo phản ánh của người dân, tại khu vực bến Cửu Long nước luôn có màu đen, sủi bọt, bốc mùi hôi thối, lục bình dày đặc, đe dọa đến chất lượng nước trong hồ.
Kết quả phân tích mẫu nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tại đây vào ngày 22/4/2016 cho thấy lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn 1,1 lần, nitrit vượt 6,44 lần, photphat vượt 11,8 lần so với quy định. Các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở xả thải không đạt tiêu chuẩn, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung, tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở (Công ty Kim Yến, Cẩm Vân, Đỗ Phủ) để khắc phục ô nhiễm môi trường.